Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020, Trung tâm đã bám sát kế hoạch chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về kỹ thuật phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm của nhân dân.
Bên cạnh đó, Trung tâm tích cực tổ chức các lớp tập huấn đầu bờ dưới hình thức "cầm tay chỉ việc” cho người dân như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, kỹ thuật trồng ngô trên đất hai vụ lúa, kỹ thuật nuôi cá lồng, kỹ thuật nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi gia cầm… Hàng năm, Trung tâm tổ chức các hội nghị, hội thảo kỹ thuật nhằm đánh giá các mô hình, chương trình hiệu quả để nhân rộng.
Bà Trần Thị Hoàn Liên – Giám đốc Trung tâm cho biết: "Với 34 cán bộ, trong đó đa phần là kỹ sư chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, kinh tế, thủy sản… Trung tâm chia thành 3 tổ nghiệp vụ gồm Tổ Hành chính tổng hợp; Tổ Chăn nuôi, thú y và Tổ trồng trọt, bảo vệ thực vật – khuyến nông.
Cán bộ của Trung tâm thường xuyên gắn bó với cơ sở, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân.
Đồng thời, làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh hại trên các loại cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho sản xuất; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y… đều được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch, góp phần nâng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác để người dân xóa đói, giảm nghèo”.
Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức được 400 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho trên 12.000 lượt người tham gia; tổ chức 20 hội nghị, hội thảo về các mô hình, chương trình; xây dựng 15 loại mô hình trình diễn các giống mới…
Nhiều mô hình giống lúa mới được triển khai thí điểm tại thôn 10 xã Báo Đáp như Phúc Thái 168, diện tích trồng 0,5 ha, năng suất đạt 69,2 tạ/ha; giống lúa KHW 3301, diện tích 0,36 ha, năng suất đạt 63,5 tạ/ha; giống lúa QL 301, diện tích 0,36 ha, năng suất đạt 61 tạ/ha… Chương trình trồng tre măng Bát độ tại các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, diện tích 523,6 ha; chương trình dâu tằm gồm: Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp, diện tích 129 ha…
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 165 lớp tập huấn kỹ thuật cho 3.793 lượt hộ tham gia; xây dựng một số mô hình triển khai giống lúa mới như: LH911, TBR117, KD18, KH709… diện tích 1,5 ha tại thôn Đức Quân xã Minh Quân; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 3 lớp dạy nghề cho 90 học viên gồm sơ chế kén tằm tại xã Hòa Cuông; sơ chế măng tre Bát độ, xã Kiên Thành; quản lý và phát triển trang trại tại xã Hưng Thịnh.
Hiện nay, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, cán bộ Trung tâm tập trung vào kiểm soát tình hình dịch bệnh tại xã Minh Quân và Quy Mông. Trung tâm đã tiếp nhận 120 lít thuốc tiêu độc khử trùng từ Chi cục Thú y tỉnh cấp và tiến hành phun thuốc tại địa bàn có dịch, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan sang địa bàn khác.
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Trung tâm tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và hướng dẫn người dân xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; tăng cường nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có nhiều diễn biến phức tạp; chuẩn bị tốt các giải pháp sản xuất vụ mùa sắp tới… góp phần cho kinh tế huyện Trấn Yên ngày càng phát triển.
Thạch Phong