Thanh toán điện tử 13 tỷ USD/ngày
Thực tế gần đây, rất nhiều trang bán hàng online trang bị máy mPOS (máy quẹt thẻ di động) để người giao hàng mang theo cho khách cà thẻ thay vì trả tiền mặt. Chị Minh Oanh, chủ một cửa hàng chuyên bán hàng xuất khẩu trên mạng, cho biết, 2 tháng nay, sau khi trang bị máy mPOS, doanh thu của shop tăng nhiều hơn.
"Tôi mạnh dạn trang bị thiết bị mPOS vì đang được hỗ trợ giảm giá thiết bị. Ngoài ra, khách hàng quẹt thẻ ATM qua mPOS cũng được hỗ trợ giảm phí còn 0,2% thay vì 0,5%; đồng thời khách hàng có thể được trả góp lãi suất 0% khi cà thẻ nên khách hàng thanh toán qua thẻ nhiều hơn”, chị Oanh cho hay.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong năm 2018 đã xử lý hơn 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP. Bình quân mỗi ngày có hơn nửa triệu giao dịch thực hiện thành công với giá trị khoảng 289.000 tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động trong năm 2018 tăng trưởng xấp xỉ 170% so với năm 2017.
Khảo sát của hãng kiểm toán PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam tăng từ 37% lên 61%. Trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Đơn cử như sử dụng thẻ xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment), tốc độ và tiện lợi; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động (mPOS)…
Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp và hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán cho dịch vụ của ngành hải quan, thuế, điện lực, viễn thông... Theo NHNN, tính đến cuối năm 2018, có 50 ngân hàng phối hợp thu phí hải quan và 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Ngay trong "Ngày thanh toán không dùng tiền mặt” (16-6), các ngân hàng đưa ra nhiều khuyến mãi để thu hút khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Trong ngày 16-6, chủ thẻ tín dụng VIB sẽ được giảm từ 30%-35% trên tổng hóa đơn tại các điểm ăn uống và mua sắm có liên kết với VIB; giảm 8% khi đặt qua Agoda với 10 khách sạn lớn...
Tiện ích thay đổi thói quen tiêu dùng
Tỷ lệ thanh toán điện tử và di động tại Việt Nam không ngừng tăng, nhưng thực tế tiền mặt vẫn được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch nhỏ lẻ. Hiện thanh toán không dùng tiền mặt chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng thanh toán của toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, 90% người mua hàng online (trực tuyến) vẫn trả bằng tiền mặt.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam, cho rằng, không chỉ do thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt hiện chưa thực sự thuận lợi. Chẳng hạn, trên ứng dụng (app) của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử thì theo quy định người dùng phải thực hiện 8 bước. Sự phức tạp này sẽ thách thức tính kiên nhẫn của khách hàng, trong khi đó, số tiền thanh toán cho mỗi đơn hàng trị giá không cao.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết, tỷ lệ khách hàng thanh toán không tiền mặt hiện chỉ khoảng 5%. Khảo sát cho thấy, nhiều khách hàng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa tiện lợi, ngại sử dụng do chưa thực sự hiểu và biết hết các loại hình thanh toán không tiền mặt cũng như tiện ích của thanh toán không tiền mặt mang lại.
"Để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, cần có các chính sách hỗ trợ phí, thuế thanh toán, chuẩn chung kết nối kỹ thuật giữa các ví điện tử, nâng cấp cơ sở hạ tầng... Hiện nay có quá nhiều đầu mối, cần quy hoạch lại hệ thống thanh toán cho đồng bộ, tập trung”, ông Nguyễn Anh Đức nói.
Đại diện VECOM cho biết, phần lớn người mua hàng online không mặn mà với thanh toán qua thẻ là do thiếu niềm tin. Họ muốn thấy hàng mới chịu trả tiền, ngại thanh toán qua mạng vì sợ lộ thông tin thẻ… Do đó, thay vì nhận tiền mặt, người giao hàng có thể cầm theo máy quẹt thẻ để người mua hàng cà thẻ trả tiền hoặc thanh toán bằng ví điện tử, quét mã QR.
Bà NGUYỄN KIM ANH, Phó Thống đốc NHNN: Hoàn thiện hành lang pháp lý
Để tiến tới xã hội không dùng tiền mặt, NHNN định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin; trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số. Trước mắt, trong năm 2019, NHNN sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là: Xây dựng nghị định thay thế Nghị định 101/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông NGUYỄN ĐỨC TRUNG, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông): Thí điểm tiền di động
Tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. Hiện Bộ TT-TT đang làm việc với NHNN và các bộ ngành liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách thí điểm tiền di động. Việc thực hiện thí điểm sẽ đảm bảo định danh khách hàng qua xác thực thông tin cá nhân thuê bao qua quản lý đăng ký SIM, đồng thời các nhà mạng sẽ phải quản lý mạng lưới đại lý như giám sát hoạt động đại lý, đảm bảo tính thanh khoản của đại lý.
Ông CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tài chính ngân hàng: Cần khuyến khích thử nghiệm xu hướng mới
Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thiện, cập nhật chiến lược quốc gia về thanh toán không dùng tiền mặt, theo kinh nghiệm của Thái Lan. Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến 2020, tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đề án cần liên tục được cập nhật tạo cơ sở thúc đẩy hành lang pháp lý theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, cách tiếp cận xây dựng các quy định pháp luật nên theo hướng khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo mới nhiều hơn, song song với xu hướng chuẩn hóa.
(Theo SGGP)