Theo Tổng cục Thuế, đơn vị này được giao nhiệm vụ thực hiện các giải pháp để nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội lên 30 - 40 bậc vào năm 2021, riêng năm 2019 nâng lên 7 đến 10 bậc trong bảng xếp hạng của WB.
Báo cáo Môi trường kinh doanh lần đầu được thực hiện vào năm 2003, với tên gọi là Doing business (DB) năm 2004, xem xét 5 chỉ số với 133 nền kinh tế. Đến năm 2018, Doing business 2019 công bố ngày 31/10/2018 xếp hạng 190 nền kinh tế với 11 bộ chỉ số, trong đó có "Chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội".
Để thực hiện bảng xếp hạng này, WB tập hợp những thông tin về những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính và những trở ngại về kỹ thuật trong việc bắt đầu hoặc mở rộng hoạt động của một doanh nghiệp.
Trong bảng xếp hạng mới nhất này, WB đánh giá các nước trong ASEAN đều có những thay đổi về thứ hạng và kết quả xếp hạng về chỉ số nộp thuế. Riêng về chỉ số nộp thuế của Việt Nam năm 2019 thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như thấp hơn Singapore 123 bậc, thấp hơn Thái Lan 72 bậc, thấp hơn Brunei 47 bậc...
Đối với Việt Nam, dựa trên các tình huống WB đánh giá chỉ số nộp thuế năm 2019 với 4 tiêu chí thành phần gồm tổng mức thuế suất, thời gian nộp thuế, số lần nộp thuế và chỉ số kê khai. Với phương pháp tính này thì Việt Nam có điểm 0 cho cả 2 chỉ số thành phần về hoàn thuế.
Kết quả của DB2018 với thời gian chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế của Việt Nam là 1,5 giờ và có số điểm là 97, thời gian nhận được tiền hoàn thuế là 8,6 tuần và có số điểm là 89,49, trong khi kết quả DB2019 thì cả hai chỉ số này đều là 0 điểm. Theo Tổng cục Thuế, do phương pháp tính của DB 2019 có sự thay đổi nên Việt Nam bị gán điểm 0 cho cả hai chỉ số thành phần và hoàn thuế.
Kết quả chung của DB2019 cho thấy, chỉ số thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam là 498 giờ; trong đó, nộp thuế là 351 giờ, nộp bảo hiểm xã hội là 147 giờ và chỉ số này được đánh giá là không có sự thay đổi so với lần đánh giá năm 2018. Số lần nộp thuế là 10 lần; trong đó, các loại thuế 9 lần và bảo hiểm xã hội là 1 lần, chỉ số này đã giảm được 4 lần so với năm 2018. Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận là 37,8%; trong đó, thuế là 13,3% và bảo hiểm xã hội là 24,5%. Chỉ số sau kê khai của Việt Nam là 49,08 điểm và điểm đánh giá chung của chỉ số nộp thuế 2019 của Việt Nam là 62,87 điểm.
Với mức điểm này, theo đánh giá của WB là do điểm DTF về tiêu chí "Sau kê khai (hoàn thuế)" bị giảm mạnh nên kết quả xếp hạng về chỉ số nộp thuế của Việt Nam năm 2019 bị đứng cuối cùng so với các nước trong khu vực.
Cũng theo đánh giá của WB tại Báo cáo Môi trường kinh doanh trong 3 năm qua, chỉ số nộp thuế có thay đổi tăng về thứ hạng năm 2017, 2018. Năm 2019, nộp thuế vẫn là 1 trong 3 chỉ số (Khởi sự kinh doanh; Nộp thuế; Thực thi hợp đồng) được ghi nhận có cải cách ở Việt Nam. Năm 2019 cũng là năm thứ 5 liên tiếp cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo Môi trường kinh doanh.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, với đánh giá về kết quả xếp hạng chỉ số nộp thuế của Việt Nam năm 2019 cho thấy, điểm DTF chung của Việt Nam là 62,87 điểm, giảm 9,9 điểm so với kết quả công bố năm 2018. Như vậy, kết quả xếp hạng chỉ số nộp thuế của Việt Nam năm 2019 là 131 trên tổng số 190 quốc gia được đánh giá, giảm 45 bậc so với đánh giá được công bố năm 2018.
Nguyên nhân được cho là do chỉ số nộp thuế của một số quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... có nhiều cải cách tích cực được ghi nhận dẫn đến sự thay đổi thứ hạng chung về môi trường kinh doanh. Ngoài ra, có một số cải cách thuế của Việt Nam chưa được WB ghi nhận. Cụ thể như đây là năm thứ 3 liên tiếp thời gian nộp thuế không được ghi nhận giảm mặc dù những cải cách về thể chế, thủ tục nộp thuế đã được thực thi mạnh.
Bên cạnh đó, trong DB2019, số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam vẫn bị tính là 5 lần (4 lần tạm nộp và 1 lần quyết toán) mà chưa ghi nhận là nộp thuế điện tử để giảm xuống 1 lần. Việc thay đổi cách tính điểm của WB cũng kéo theo một số tiêu chí chấm điểm của Việt Nam cũng thay đổi. Như chỉ số kê khai được đưa vào từ năm 2017 được đánh giá dựa trên các thành phần là hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp đầu vào lớn hơn đầu ra và thanh kiểm tra do kê khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong báo cáo DB2019, chỉ số sau kê khai có những biến động mạnh là giảm điểm số và giảm thứ hạng của chỉ số nộp thuế Việt Nam...
(Theo Vneconomy)