Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, bộ mặt nông thôn Yên Bái có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 52/157 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt 19 tiêu chí đang hoàn thiện hồ sơ xét công nhận.
Qua đánh giá, NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 5%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh lên gần 30 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc XDNTM cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề bền vững của những xã đạt chuẩn như: một số tiêu chí hoàn thành nhưng ở mức độ còn thấp, tính bền vững chưa cao (văn hóa, giáo dục, hộ nghèo, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, môi trường... ); việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hướng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chưa cao, chưa có nhiều mô hình kinh tế có quy mô lớn, có tính đột phá…
Ngoài ra, vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn thực sự chưa bền vững và vẫn chưa có nhiều mô hình kinh tế mang tính đột phá, gắn kết theo chuỗi sản xuất thông qua vai trò của HTX, doanh nghiệp mà chủ yếu đang tồn tại mô hình kinh tế hộ, phát triển đơn lẻ.
Trước thực trạng này, để XDNTM bền vững, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động như: kết cấu hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, cơ sở vật chất giáo dục.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: để XDNTM thực sự hiệu quả chứ không phải là hình thức, phong trào, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn; phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động sự đóng góp, tham gia, kiểm tra, giám sát của người dân, không làm quá sức dân, tăng cường vai trò của người dân trong giữ gìn, bảo vệ các công trình sau đầu tư để phát huy hiệu quả, phục vụ người dân trong cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Phúc Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo tính bền vững của các xã đạt chuẩn NTM, các địa phương cần đặc biệt chú ý đối với các tiêu chí "động” như: môi trường, hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan trọng, phải thường xuyên, liên tục có các giải pháp mới đảm bảo duy trì bền vững.
Bên cạnh đó, để duy trì bền vững các tiêu chí, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ngoài ra, các ngành, địa phương cần rà soát, nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định, xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM; tăng cường kiểm tra, giám sát trong XDNTM; phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc XDNTM.
Việc lấy ý kiến của người dân phải đảm bảo công khai, minh bạch, để kết quả xây dựng xã NTM bảo đảm chất lượng, thực chất, khách quan, không chạy theo thành tích, mang hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân nông thôn.
Hùng Cường