Khi tỉnh có chủ trương triển khai xây dựng các sản phẩm chủ lực lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức triển khai và công bố nhóm sản phẩm chủ lực quan trọng được khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến các cơ quan chuyên môn liên quan, UBND các xã, phường; tuyên truyền sâu rộng từ thị xã đến cơ sở để nhân dân nắm bắt được nội dung chương trình, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia thực hiện, đồng thời chỉ đạo các đơn vị đăng ký thực hiện theo từng nhóm sản phẩm.
Các xã, phường rà soát đăng ký sản phẩm chủ lực thuộc Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trình UBND tỉnh đưa vào Đề án; xây dựng kế hoạch thực hiện dự án theo từng nhóm sản phẩm, từng mùa vụ và giao kế hoạch cho các tổ, thôn, bản.
Đối với nhóm sản phẩm lúa, đến nay, thị xã đã có 2 đơn vị là Công ty cổ phần Công nghiệp Khai Minh - Hà Nội và Hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa An đăng ký, đã hoàn thiện hồ sơ chủ trì thực hiện Dự án "Sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao Séng cù, Hương chiêm, J02, LY2099 giai đoạn 2019 - 2021”, thị xã đã phê duyệt thuyết minh dự án. Các hồ sơ dự án đã gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét trình UBND tỉnh cấp nguồn vốn để triển khai từ vụ mùa năm 2019. Quy mô dự kiến 1.300 ha, kinh phí hỗ trợ 10,464 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Ngoài việc xây dựng sản phẩm chủ lực, thị xã tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích triển khai thực hiện một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, có hướng phát triển tốt và có giá trị kinh tế là: Dự án trồng cỏ ngọt xuất khẩu, quy mô 2 ha ở phường Trung Tâm và xã Nghĩa An; Dự án Ứng dụng công nghệ chiếu đèn LED chuyên dụng trong sản xuất hoa cúc, quy mô 0,6 ha tại phường Trung Tâm, xã Nghĩa Lợi. Qua đánh giá, các dự án triển khai bước đầu đã có hiệu quả tốt, đang tiếp tục được mở rộng diện tích”.
Hiện, thị xã đã đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm lúa gạo và chăn nuôi, giai đoạn thực hiện 2020 - 2021, quy mô 300 ha lúa; 1 nhóm hộ chăn nuôi gia cầm với quy mô 10.000 con/lứa, 1 nhóm hộ chăn nuôi lợn thịt với quy mô 1.000 con/lứa. Đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn thực hiện 2019 - 2021, quy mô 350 ha lúa, 1 nhóm hộ chăn nuôi gia cầm với quy mô 10.000 con/lứa.
Đối với việc triển khai thực hiện các Đề án phát triển sản phẩm chủ lực, thị xã được phân bổ 9 cơ sở chăn nuôi lợn và gia cầm: 5 cơ sở chăn nuôi gia cầm, quy mô 1.000 con/lứa; 4 cơ sở chăn nuôi lợn, quy mô 5 lợn nái và 50 lợn thịt. Hiện, thị xã đã phân bổ cho các xã, phường để triển khai thực hiện. Trên địa bàn thị xã hiện nay còn trên 30 cơ sở chế biến sản phẩm thịt hun khói, trong đó có 1 cơ sở đã được giới thiệu trên chương trình "Nông sản sạch Việt Nam".
Với sản lượng tiêu thụ bình quân hàng năm đạt trên 120 tấn/năm. Để giới thiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm thịt hun khói vùng Mường Lò, thị xã đang xây dựng Nhãn hiệu tập thể "Thịt hun khói Mường Lò” để đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực nông - lâm nghiệp, thủy sản, thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ mời gọi, thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm năng trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ thị xã triển khai các dự án mới có giá trị kinh tế cao mà thị xã có thế mạnh như: trồng rau màu trái vụ, trồng hoa, chế biến sản phẩm thịt sấy…; tạo sự liên kết từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.
Phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Mường Lò theo quy trình khép kín, tạo sản phẩm an toàn, với tỷ lệ diện tích cấy lúa chất lượng cao chiếm từ 70% diện tích/vụ trở lên, tương đương khoảng 500ha, tập trung vào 2 giống lúa thuần chất lượng cao đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là gạo Séng cù và Hương chiêm.
Duy trì và mở rộng diện tích ngô nếp chất lượng cao HN88, Fancy 111 vụ đông gắn với đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo sản phẩm để phục vụ du lịch. Khuyến khích các hộ chăn nuôi ba ba gai hiện có mở rộng diện tích nuôi với quy mô phù hợp với hộ gia đình và thị trường tiêu thụ.
Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm sạch; liên kết sản xuất để tạo vùng nguyên liệu ổn định, từ đó, thuận lợi cho việc mời gọi các doanh nghiệp đến hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Thành Trung