Yên Bái: Nhiều giải pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/6/2019 | 10:58:52 AM

YênBái - Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất, xảy ra với tính chất bất thường cả về cường độ và tần suất, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.

Trận lũ quét xảy ra tại thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn năm 2018.
Trận lũ quét xảy ra tại thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn năm 2018.

Tỉnh Yên Bái có địa hình tự nhiên chia cắt mạnh độ dốc lớn và lượng mưa cao, nên vào mùa mưa bão thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... và mức độ thiên tai, thiệt hại gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. 

Tính riêng trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 15 đợt thiên tai, trong đó, có 2 đợt rét đậm, rét hại, 11 trận mưa kèm giông lốc, 2 trận mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai đã làm 22 người chết và mất tích, 5.759 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 4.450 ha lúa, hoa màu, 29.000 con gia súc, gia cầm cùng nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại; ước tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 1.020 tỷ đồng. 

Trong đó, điển hình như trận lũ quét kéo theo hàng nghìn khối đất đá xảy ra rạng sáng ngày 20/7/2018 tại thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đã vùi lấp 6 ngôi nhà, 11 nhà khác bị hư hỏng, làm 3 người chết. Thời gian qua, để chủ động phòng chống thiên tai, tỉnh, ngành, các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, dân cư sinh sống không tập trung, vẫn còn nhiều cộng đồng dân cư làm nương xa và ở lại nương thời gian dài nên khó tiếp cận để tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai. 

Việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chưa có cảnh báo sớm nên các địa phương còn thụ động trong việc phòng chống. Bản tin cảnh báo còn ở phạm vi rộng mà chưa cảnh báo đến phạm vi ở xã, thôn, bản nên gây khó khăn trong việc triển khai các phương án phòng chống. 

Việc tìm quỹ đất, lựa chọn những khu vực an toàn để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất vẫn còn khó khăn do địa hình đồi núi cao, chia cắt, đặc biệt là quỹ đất trên địa bàn các huyện, thị: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. 

Ở một số địa phương, việc thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành có nơi còn chủ quan; công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra, giám sát còn thiếu kiên quyết; cùng với đó, có không ít người dân còn chủ quan vẫn sinh sống ở chân núi, vách taluy ven sông suối nên rất dễ gặp nguy hiểm khi có mưa lớn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của hiện tượng El Nino nên thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão ít nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn. Mùa mưa bão lũ năm 2019 có khoảng 6 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 2 - 3 cơn bão ảnh hưởng đến các khu vực trong tỉnh Yên Bái. 

Để chủ động phòng chống thiên tai, đặc biệt là lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, đẩy mạnh tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thiên tai đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất. 

Các địa phương rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai sát với thực tế, đặc biệt là phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nâng cao năng lực và ý thức chủ động ứng phó của người dân với lũ quét, sạt lở đất, nhất là các xã có nhiều khe suối, nhân dân đi làm nương, làm lán trại. Nâng cao năng lực dự báo mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời tới người dân phòng tránh. Trong đó, tiếp tục khai thác quản lý, sử dụng có hiệu quả 20 trạm đo mưa tự động ở 9 huyện thị xã, thành phố và 1 thiết bị thử nghiệm giám sát cảnh báo sớm lũ quét đặt tại thị xã Nghĩa Lộ. 

Có kế hoạch xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét sạt lở đất để phục vụ cho ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Chú trọng hệ thống thông tin liên lạc cho những vùng thường có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đối với các xã vùng trọng điểm - nơi luôn tiềm ẩn lũ ống, lũ quét sạt lở đất cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và sắp xếp dân cư. Kiểm tra tiến độ xây dựng và di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Thống kê, cập nhập thường xuyên những địa bàn dân cư, những thôn, bản có các hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất. Khi thời tiết có mưa to, cần kêu gọi các hộ dân làm lán nương và các hộ chưa kịp di dời ra khỏi ngay khu vực nguy hiểm có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất; nếu xét thấy cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Văn Thông

Tags Yên Bái phòng chống lũ quét sạt lở đất thiên tai

Các tin khác
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, cho biết sau Singapore, các Hiệp định với Việt Nam mới chỉ là trường hợp thứ hai được ký kết giữa EU và một quốc gia Đông Nam Á.

Ngày 25-6, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông báo chấp thuận hai hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết với Việt Nam vào ngày 30-6 tới tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị 16/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Vườn rau thủy canh của gia đình chị Phạm Thúy Hảo, thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm rau an toàn.

Hưởng ứng Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện tuyên truyền trong các cấp Hội; tổ chức các hội nghị triển khai CVĐ tới cả 9 huyện thị, thành phố, các đơn vị trực thuộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục