Các cấp Hội thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt hội. Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các hình thức tuyên truyền CVĐ.
Hội Phụ nữ tỉnh cũng đề xuất các chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh. Định kỳ, các cấp hội đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả triển khai thực hiện CVĐ ở mỗi cấp Hội. Nhắc nhở, phê bình các tập thể, cá nhân không nghiêm túc thực hiện CVĐ; đấu tranh phê phán các hành vi, tâm lý sính ngoại…
Từ đó, 100% cấp Hội cơ sở vận động cán bộ, hội viên phụ nữ mua và sử dụng những nguyên liệu nội địa để sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp do Việt Nam sản xuất. Các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp do nữ làm chủ thực hiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và sử dụng hàng nội địa góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa, giữ vững ổn định sản xuất và phát triển trên địa bàn.
Chị Trần Thị Tình - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành ở xã Yên Hợp, huyện Văn Yên cho biết: "HTX Trung Thành thành lập vào năm 2017, với 12 hộ sản xuất thành viên. Ngoài việc đào tạo kiến thức sản xuất, HTX còn sử dụng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều là hàng Việt đảm bảo an toàn. Do vậy, những sản phẩm của HTX như: dưa lưới, cà chua leo, dưa chuột bao tử, chanh leo… được thị trường rất ưa chuộng”.
Cùng đó, Hội Phụ nữ tỉnh cũng phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tổ chức giao lưu, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp tại Hà Nội, Thái Nguyên để tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm trong nước. Đồng thời, kết nối để hội viên tham gia 16 hội chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Yên Bái như: mật ong, gạo Séng cù, miến đao, gà đen, lợn cắp nách... để gắn kết giới thiệu các sản phẩm vào các kênh phân phối.
Qua đó, Hội cũng phối hợp với ngành chức năng để vận động các nữ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân.
Các cấp Hội còn phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức 565 lớp tập huấn kiến thức chuyên đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trồng rau sạch, chăn nuôi sạch đảm bảo an toàn sinh học, nội dung các quy định "Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản của VietGAP cho sản xuất rau”; phòng chống ngộ độc thực phẩm, cách chế biến, bảo quản thực phẩm vệ sinh, hướng dẫn tổ chức bữa ăn gia đình an toàn và đủ dinh dưỡng cho cán bộ hội cơ sở và hội viên nòng cốt; lồng ghép truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp... giúp chị em nắm được kiến thức, kỹ năng cần thiết chọn mua và sản xuất các sản phẩm an toàn mang thương hiệu Việt.
Nhờ công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt CVĐ trong các cấp hội LHPN tỉnh Yên Bái, thời gian qua đã có trên 90% cán bộ, hội viên phụ nữ nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với hàng hóa trong nước. Qua đó, từng bước thay đổi hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, góp phần đưa CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả.
Minh Huyền