Cụ thể, theo các báo cáo số 60/BC-PCTT ngày 25/6/2019 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu; số 161/BC-VPTT ngày 24/6/2019 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai; số 12/BC-BCH ngày 24/6/2019 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, tình hình thiệt hại tính đến 6h00 ngày 26/6/2019 như sau:
Về người: 02 người chết (tại Lai Châu: Bùi Văn Tâm, sinh năm 1973, quê quán: xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, công nhân làm đường tại xã Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè, Lai Châu bị lũ cuốn trôi.
Tại Điện Biên: Giàng A Súa, sinh năm 1992, trú tại bản Pú Đao, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ bị chết do sét đánh ngày 24/6/2019); 03 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi, trong đó xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè 02 người (công nhân làm đường bị lũ cuốn trôi: Lường Văn Kiên sinh năm 1986, quê quán: xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; Nguyễn Văn Thuyên sinh năm 1981, quê quán: xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn 01 người (Chìn Mé Út 2 tuổi trú tại bản Pa Cheo, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn).
Về nhà, tại Lai Châu có 04 nhà bị cuốn trôi (01 nhà xã Bum Nưa, 02 nhà xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè); 29 nhà di dời khẩn cấp. Tại Lào Cai, có 24 nhà bị ngập nước (13 nhà ở huyện Sa Pa, 11 nhà ở huyện Bắc Hà).
Tổng thiệt hại ước tính hơn 26,3 tỷ đồng (Lai Châu: 25 tỷ đồng, Lào Cai: 1 tỷ đồng, Điện Biên: 0,3 tỷ đồng).
Hiện, tại Lai Châu, các tuyến đường liên xã và tại điểm K46+800 QL12 đã thông tuyến, 3 đoạn ở QL4H đang khắc phục tạm thời gián đoạn giao thông, 03 người mất tích vẫn đang được tích cực tìm kiếm. Tại Lào Cai, các tuyến bị ảnh hưởng do mưa lũ đã được khắc phục thông tuyến. Cầu treo thôn La Ve, xã Bản Hồ đang được chính quyền địa phương khắc phục, nước lũ đã rút.
Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngày và đêm 26/6, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi (đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La), ngập lụt vùng trũng ở khu vực trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tiếp theo, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương triển khai nghiêm túc Công điện số 04 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019.
Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ, kỹ năng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất để các cấp chính quyền và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
(Theo dangcongsan.vn)