Với trên 64.000 ha đất lâm nghiệp, huyện Văn Chấn có tiềm năng rất lớn về phát triển rừng. Tuy nhiên, những năm trước đây, ngoài diện tích rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi bảo vệ, hầu hết diện tích rừng trồng của nhân dân được trồng các loại cây lấy gỗ. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây rừng, vài năm trở lại đây, nhân dân Văn Chấn đã tập trung phát triển cây quế, để nâng cao thu nhập từ nghề rừng.
Sôi động thị trường quế
Từ đầu năm đến nay, thị trường quế vỏ trên địa bàn huyện Văn Chấn khá sôi động. Thời điểm này, giá quế vỏ tăng đột biến, trung bình đạt trên 45.000 đồng/kg quế tươi loại 1. Khắp các vùng trọng điểm trồng quế ở Văn Chấn tấp nập cảnh mua quế, phơi vỏ, sơ chế các sản phẩm từ quế.
Giá quế tăng, tiêu thụ thuận lợi nên thương lái khắp nơi tìm đến mọi đồi quế để hỏi mua. Nhiều đồi quế xa, ở nơi hẻo lánh, thương lái ngại thu hoạch, nay chỉ cần thu hoạch vỏ, bỏ lại cành lá cũng có giá trị hơn mọi năm nên tìm mua vườn quế rất khó khăn.
Làm nghề bóc quế nhiều năm, anh Triệu Tiến Ngân ở thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành đã thành lập được đội bóc quế hơn chục người. Những năm trước, anh chỉ mua những vườn quế ở Nậm Lành, bóc cũng không xuể. Năm nay, anh phải đi tìm mua cả ở những xã bạn, như: Suối Quyền, Suối Giàng, Sơn Thịnh mà cũng không có việc đều cho anh em trong đội.
Anh Ngân chia sẻ: "Những năm trước, nhiều người gọi bán quế nhưng mình không dám lấy nhiều vì bóc quế có mùa thôi. Mới lại, thị trường cũng không tiêu thụ nhiều như năm nay. Giờ giá quế lên, mua vườn quế cũng khó mà bóc cũng không đạt công vì phải đi xa quá”.
Do đặc điểm của việc khai thác vỏ quế chỉ có thời điểm nhất định và cây quế phải đến chu kỳ thu hoạch mới đạt chất lượng và hiệu quả nên dù diện tích quế khá lớn nhưng diện tích quế khai thác được cũng không nhiều. Như ở thôn Văn Thi 4, xã Sơn Thịnh, có mấy chục héc-ta quế xanh tốt bạt ngàn nhưng cũng chỉ có vài héc-ta đủ tiêu chuẩn khai thác.
Dù vậy, hầu như ngày nào cũng có thương lái hỏi mua. Gia đình anh Nguyễn Văn Sáu có hơn chục héc-ta quế, trong đó có 3 ha đã trên 15 năm tuổi nên liên tục có thương lái đến xem và trả giá. Dạo này năm trước, mỗi héc-ta quế này của gia đình anh bán cũng chỉ được 200 triệu đồng, nhưng nay có người trả trên 300 triệu đồng anh cũng chưa muốn bán.
Anh Sáu cho biết: "Khi bắt tay vào trồng rừng, gia đình chọn trồng keo lai và bồ đề. Sau chu kỳ khai thác, nhận thấy cây quế có giá trị hơn, gia đình đã chuyển phần lớn diện tích sang trồng quế. Tuy lúc đó nhiều người can ngăn sợ cây quế không phù hợp lại mất hơn chục năm mới cho thu hoạch, nhưng nay, cây quế đã khẳng định hiệu quả vượt trội so với các cây trồng khác. Hiện, hầu hết các diện tích quế của gia đình anh Sáu mới đang trong giai đoạn tỉa thưa nhưng cũng mang về cho gia đình anh 200 triệu đồng mỗi năm”.
Giá trị cao, đa tiện ích
Được biết đến là loài cây dược liệu, trước đây, cây quế ở Văn Chấn chỉ tập trung ở một số xã vùng cao khu vực đồng bào Dao và Mông sinh sống. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, kể từ khi nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty cổ phần Lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái đặt tại xã Sơn Lương đi vào hoạt động, cây quế trở thành cây trồng có giá trị cao và đa tiện ích nên được người dân khắp các xã, thị trấn lựa chọn phát triển rừng.
Với việc dùng cành, lá để chế biến tinh dầu, việc tận thu lá từ quá trình tỉa cành, tỉa thưa đã giúp người trồng rừng lấy ngắn, nuôi dài. Từ chỗ phải chờ 10 – 15 năm trở lên mới thu hoạch vỏ thì nay chỉ cần 4 - 5 năm người dân có thể thu hoạch lá để bán với giá trung bình 2.000 đồng/kg.
Mặt khác, phần xương quế cũng có giá trị cao, dùng để làm tăm và ván xẻ, ván bóc đều được. Hiện, trên thị trường giá gỗ quế giao động từ 2,5 – 3 triệu đồng/m3.
Anh Triệu Phúc Sinh ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành cho biết: "So với cây rừng khác, cây quế là cây trồng có giá trị hơn cả vì không bỏ đi bất kỳ cái gì. Trồng quế cũng dễ hơn trồng keo, bồ đề vì cây dễ sống, ít sâu, bệnh. Cây quế lại có khả năng tái sinh sau chu kỳ khai thác và nếu chăm sóc tốt từ năm thứ 5 trở đi cây đã cho thu hoạch đều”.
Nhận thấy giá trị và tiềm năng phát triển cây quế, bước vào nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Văn Chấn đặc biệt quan tâm động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển cây quế. Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện đã xây dựng Đề án phát triển cây quế giai đoạn 2016 – 2020.
Với mục tiêu đến năm 2020 trồng mới 2.500 ha quế, huyện đã giao Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các địa phương khảo sát, quy hoạch các diện tích đất lâm nghiệp để trồng quế; đồng thời, tiến hành ươm giống cung cấp cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị đất và kỹ thuật trồng.
Được sự hỗ trợ cây giống của Nhà nước, qua hơn 3 năm thực hiện Đề án, huyện đã hỗ trợ cho nhân dân trồng 2.510 ha, vượt mục tiêu Đề án đề ra. Qua đánh giá, việc ươm giống tại địa phương đã giúp nhân dân triển khai trồng đúng thời vụ, đúng kỹ thuật; hầu hết các diện tích quế đều phát triển tốt.
Cây quế đã chứng tỏ là cây trồng có khả năng thích nghi cao, ít sâu, bệnh hơn các loại cây rừng trồng lấy gỗ hiện nay. Tuy mục tiêu của Đề án đã đạt, nhưng với giá trị và khả năng phát triển của cây quế, nhiều hộ dân vẫn mong muốn được hỗ trợ để trồng thêm các diện tích quế.
Hiện, vẫn còn hàng trăm hộ dân ký cam kết phát triển cây quế với diện tích thiết kế trên 800 ha. Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, huyện đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách để khuyến khích nhân dân tiếp tục phát triển rừng quế.
Ông Mai Mộng Tuân – Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Cây quế được huyện xác định là một trong những cây lâm nghiệp hàng hóa chủ lực. Vì vậy, huyện có chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích quế tại các xã, thị trấn có điều kiện phù hợp. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích quế trên địa bàn huyện đạt 8.000 ha.
"Để hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng quế, UBND huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ bổ sung thêm diện tích quế tăng thêm ngoài Đề án. Trước mắt, trong năm 2019, để kịp thời hỗ trợ ngay cho nhân dân, huyện đã chủ động xây dựng phương án hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp huyện cho nhân dân trồng quế tại các xã vùng đặc biệt khó khăn với diện tích gần 600 ha” - ông Tuân nói.
Có thể thấy, những năm qua, điều kiện địa hình đồi dốc cao và thời tiết khắc nghiệt và sâu, bệnh phá hại luôn là rào cản trong công tác phát triển kinh tế rừng ở Văn Chấn. Với khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế ngày càng cao, cây quế đã và đang khẳng định vị thế của loài cây dược liệu quý đối với đời sống của đồng bào các dân tộc ở Văn Chấn.
Thực tế, việc trồng quế đối với nhân dân Văn Chấn không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có cả giá trị văn hóa, tinh thần; hỗ trợ để nhân dân tập trung phát triển cây quế theo hướng bền vững là hướng đi giúp người làm nghề rừng tạo sinh kế ổn định, yên tâm bảo vệ vốn rừng.
Trần Van - Phan Tuấn