Đồng chí Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham, huyện Văn Chấn khẳng định: tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, trong những năm qua và xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức và tập quán canh tác truyền thống sang tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Ngoài tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa nước, đẩy mạnh tăng vụ trên đất 2 vụ lúa bằng sản xuất vụ đông, xã còn tập trung thực hiện các giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, tập trung vào một số cây trồng có tính cạnh tranh trên thị trường nhằm đạt mục tiêu đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành nguồn thu nhập chính cho kinh tế địa phương.
Theo đó, diện tích lúa nước 2 vụ và đất màu chuyên trồng rau, ngô được xã vận động nhân dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao với diện tích 30,8 ha, tập trung vào trồng các loại cây: quất cảnh, bưởi, chanh, chanh leo, dưa hấu, dưa lấy hạt, mướp đắng lấy hạt, dưa các loại, cà chua.
Đến nay, xã đã trồng được gần 21 ha bưởi tập trung ở các thôn: Chanh, Pá Xổm, Cầu Thia, Phù Ninh, Nong, Suối Quẻ... Trong đó, có trên 13 ha đã cho thu hoạch từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, riêng khoảng 3,5 ha bưởi da xanh, bưởi Diễn thu đạt từ 1,2 - 1,7 tỷ đồng/ha/năm. Hầu hết bưởi được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Ông Phạm Quang Huyên ở thôn Chanh chia sẻ: "Trước đây, trồng lúa, hoa màu nên thu nhập đạt thấp. Từ khi chuyển toàn bộ diện tích 6.000 m2 sang trồng bưởi da xanh và bưởi Diễn đã cho thu nhập kinh tế rõ rệt và mỗi năm tôi thu về trên 500 triệu đồng”.
Cùng với cây bưởi, năm 2019, xã Phù Nham mạnh dạn đưa giống chanh leo Đài Nông 1 vào trồng với quy mô 10 ha và có 52 hộ tham gia vào tổ hợp tác. Đây là mô hình kinh tế mới được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí gồm: giống, phân bón, vật tư làm giàn… còn lại các hộ dân tham gia đối ứng 30% kinh phí. Dự kiến trong tháng 8/2019 sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Được biết, đầu tư cho 1 ha trồng chanh leo giống Đài Nông 1 chi phí hết 30 triệu đồng và sau 6 tháng cho thu hoạch, dự kiến năm đầu tiên cho thu hoạch 8 tấn quả/ha; từ năm thứ 2 cho thu hoạch 20 tấn quả/ha. Theo giá cả thị trường hiện nay, mỗi héc - ta chanh leo thu nhập năm đầu đạt từ 200 - 240 triệu đồng/ha; từ năm thứ hai, thứ ba đạt từ 500 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh phát triển bưởi da xanh, bưởi Diễn, chanh leo, xã Phù Nham tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản. Theo đó, hàng năm xã tổ chức các đoàn đi thăm quan, học hỏi các mô hình sản xuất theo hình thức liên kết "bốn nhà” ở các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Đồng thời, chủ động mời gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp xúc tiến liên kết triển khai các mô hình sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa.
Nhờ vậy, năm 2019, xã đã liên kết với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trồng tập trung 30 ha giống lúa JAPONICA vụ xuân năm 2019 đem lại năng suất lúa cao; liên kết với Công ty cổ phần G.O.C trồng các loại cây rau quả xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và trong tháng 6/2019 đã triển khai trồng 3,3 ha ớt JALAPENO theo hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.
Tiếp tục mời gọi Hiệp hội Bưởi da xanh Việt Nam đến khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển diện tích bưởi da xanh hiện có và tư vấn về biện pháp kỹ thuật thâm canh theo hướng sản xuất theo công nghệ hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định cây sinh trưởng và phát triển lâu dài.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là xây dựng các mô hình nông nghiệp tiêu biểu, đưa những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất gắn với tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm đang là hướng đi mới ở xã Phù Nham, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Văn Tuấn