Với vai trò là cơ quan tham mưu với UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại, đồng thời là thành viên BCĐ, Sở Công Thương đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu: tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn của nhiều sản phẩm, tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tới các thị trường trong và ngoài nước; vận động các doanh nghiệp ngoài tỉnh vào đầu tư sản xuất các mặt hàng có chất lượng cho tỉnh, thành lập các cửa hàng, trung tâm kinh doanh các mặt hàng sản xuất trong nước tại Yên Bái.
Hàng năm, Sở Công Thương biên tập và phát hành Bản tin Công thương 1 số/tháng với số lượng từ 250-300 bản. Các bản tin này đều được phát miễn phí cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh với các nội dung tuyên truyền, quảng bá hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh, cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp những rủi ro của thị trường...
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền của Trung ương và địa phương cung cấp từ 50-70 tin, bài/năm về các nội dung triển khai Cuộc vận động và giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp uy tín trong nước, các địa chỉ mua bán có uy tín trên thị trường, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Bên cạnh việc duy trì hoạt động cung cấp thông tin đều đặn, chính thống trên trang thông tin điện tử tại địa chỉ: www.sctyenbai.gov.vn và Sàn Giao dịch điện tử tỉnh Yên Bái tại địa chỉ: www.sctyenbai.com, Sở Công Thương còn thường xuyên tuyên truyền tới bà con nhân dân những kênh bán hàng Việt Nam (cả truyền thống và hiện đại) theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, ý thức, thói quen mua sắm của nhân dân, chuyển từ mua sắm các sản phẩm giá rẻ sang mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thực hiện chương trình đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, trung bình mỗi năm, Sở Công thương phối hợp tổ chức được 3 phiên chợ (trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia) tại các huyện, thị trong tỉnh.
Qua đó, góp phần tuyên truyền tới nhân dân những chủ trương, chính sách của Bộ Chính trị, Bộ Công Thương, UBND tỉnh về các nội dung triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để định hướng và khuyến khích người dân trong vùng cùng quan tâm tiêu dùng hàng Việt.
Thực hiện chương trình đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt, từ năm 2010 đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức 5 hội chợ khu vực Tây Bắc – Yên Bái với quy mô, chất lượng cao.
Cùng với đó, Sở chủ động tổ chức các hội nghị kết nối cung – cầu, nhờ vậy đã ký kết được hàng chục hợp đồng, bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam trong tỉnh với trong nước. Trung bình mỗi năm, Sở tổ chức được 10 – 15 hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh, các hội chợ tập trung vào giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm hàng Việt Nam, đặc sản Việt Nam.
Đặc biệt, Sở Công Thương còn thường xuyên phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố trong nước tổ chức đưa sản phẩm thế mạnh của tỉnh tham gia vào các hội chợ, hội nghị trên toàn quốc. Tham gia trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương tại 43 hội chợ của các tỉnh, thành trong nước như: Thái Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Tĩnh, Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nam Định, Sơn La, Hà Nam, Hải Phòng…
Có thể nói, việc tổ chức các hội chợ trong tỉnh và tham gia bán hàng trực tiếp tại các tỉnh, thành của cả nước những năm qua của Sở Công Thương Yên Bái đã góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Qua đó, chẳng những các doanh nghiệp trong nước và trong tỉnh có điều kiện thiết lập, phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng mà còn góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam với hàng hóa của một số nước bạn, giúp hàng Việt Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Đặc biệt, hàng hóa do các nhà sản xuất, kinh doanh trực tiếp bán tại hội chợ phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân vừa đảm bảo chất lượng, tạo sự quan tâm của người tiêu dùng với hàng Việt Nam vừa tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt là hỗ trợ người bán lẻ ở địa phương nâng cao năng lực kinh doanh, từng bước nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân (cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng), tạo cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với các nhà bán lẻ và người tiêu dùng tại địa phương.
Thực tế công tác triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn Yên Bái cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, phối hợp thực hiện thì nơi đó triển khai thực hiện hiệu quả.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động phải bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, kiên trì đi đôi với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và khuyến khích, biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động. Có như vậy, Cuộc vận động mới thực sự hiệu quả, ý nghĩa và đi vào cuộc sống của nhân dân.
Thanh Hương