Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều giải pháp đã được triển khai để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2019, tiến độ giải ngân các nguồn vốn vẫn đạt thấp, thậm chí có nhiều dự án chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công.
Điều này, đòi hòi các cấp, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như tiến độ giải ngân các nguồn vốn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến 25/6, tổng số vốn đã giải ngân đạt trên 1.128 tỷ đồng (trong kế hoạch tổng vốn giao trên 3.552 tỷ đồng), bằng 32% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước trên 1.014 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) 13,187 tỷ đồng, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư (ngân sách địa phương) 101,094 tỷ đồng.
Đối với các đơn vị chủ đầu tư khối huyện, đến 25/6 số vốn đã giải ngân đạt trên 508 tỷ đồng trong tổng kế hoạch vốn giao 1.395 tỷ đồng, bằng 36,5% kế hoạch. Bên cạnh một số địa phương có tiến độ giải ngân tốt như: huyện Yên Bình 56,3%, huyện Văn Yên 47,1% thì vẫn còn nhiều địa phương tỷ lệ giải ngân thấp - dưới 30%, như thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, huyện Lục Yên.
Ông Trần Ngọc Luận - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Trong số 49 dự án khởi công mới trên địa bàn huyện, đến nay, đã có 46 dự án được khởi công, còn 3 dự án chưa hoàn thành việc hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, có một số dự án chưa thực hiện khởi công (tính đến 25/6) như: dự án xã Xà Hồ; vốn sự nghiệp giáo dục huyện Trạm Tấu; đề án giao thông nông thôn; dự án di chuyển khẩn cấp bố trí dân cư vùng thiên tai lũ ống, lũ quét và sạt lở đất”.
Đối với đơn vị chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, trong tổng kế hoạch vốn 1.888 tỷ đồng được giao, đến 25/6 mới giải ngân trên 500 tỷ đồng, bằng 26,5% kế hoạch. Qua đánh giá của UBND tỉnh, tiến độ giải ngân chậm do nhiều lý do nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.
Điều này dẫn đến một số dự án khởi công mới chậm; việc phối hợp của đơn vị đầu tư với địa phương trong giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ; công tác thẩm định ở một số sở, ngành, việc phê duyệt đầu tư ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác nghiệm thu tại các địa phương chưa chủ động; một số đơn vị chủ đầu tư chưa chủ động đôn đốc nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ.
Vai trò của các cơ quan tham mưu chưa tốt; năng lực của một số đơn vị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn còn hạn chế, nên một số sự án phải điều chỉnh phương án thiết kế làm kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án và giải ngân các nguồn vốn...
Khắc phục những tồn tại, khó khăn, yếu kém trong việc giải ngân các nguồn vốn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản đôn đốc, yêu cầu các ngành, địa phương và chủ đầu tư tăng cường phối hợp, giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Trong cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị với sự tham gia của các ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư để bàn về các giải pháp bảo đảm tiến độ giải ngân của các nguồn vốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công và giải ngân chậm là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và tái định cư. Vì vậy, các địa phương phải xây dựng lại tiến độ giải phóng mặt bằng cho từng dự án với thời gian cụ thể; đồng thời, có giải pháp bù đắp tiến độ chậm, điều chỉnh lại tiến độ thi công.
Ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: "Với những công trình, dự án được giao làm chủ đầu tư, một mặt Sở tăng cường phối hợp với các địa phương nhanh chóng giải phóng mặt bằng; mặt khác, chỉ đạo huy động máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng yêu cầu, kế hoạch của tỉnh”.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi công các dự án được giao; xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân đối với các dự án, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tiến hành rà soát lại trình tự thủ tục đầu tư của các công trình, dự án, làm việc với các đơn vị nhà thầu, đơn vị tư vấn để kiểm điểm việc làm chậm tiến độ đã phê duyệt, làm rõ các hạng mục chậm để xác định tiến độ triển khai; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tiến độ, năng lực các nhà thầu; có biện pháp xử lý nghiêm và chặt chẽ, kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, không thực hiện đúng theo hợp đồng; chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân...
Ngoài ra, các đơn vị chủ đầu tư cần bám sát kế hoạch, tiến độ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chú trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên trong quá trình thi công; thực hiện nghiêm túc quản lý, kiểm soát, lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiến độ thi công; kịp thời hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán gửi về Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng và đã được bố trí kế hoạch vốn để giải ngân kịp thời, theo đúng kế hoạch.
Hùng Cường