Là hộ chăn nuôi gà thương phẩm có quy mô lớn của xã Yên Thắng cũng như ở huyện Lục Yên, qua nắm bắt thông tin chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, phát triển đàn gia cầm trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi hiện nay, gia đình anh Cù Huy Hoàng, thôn Làng Già, xã Yên Thắng đã mạnh dạn phát triển từ 4 nghìn con gà giống lên 6 nghìn con để cung ứng kịp thời cho thị trường.
Anh Hoàng cho biết: "Thời gian qua, qua nghe thông tin tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện, qua được tuyên truyền chủ trương của tỉnh, huyện, trong đợt này, gia đình tôi mở rộng nuôi thêm 2 nghìn gà con giống để cung ứng cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi”.
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Yên, tính đến ngày 17/7/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 9/24 xã, thị trấn của 53 hộ dân ở 16 thôn, bản, tổ dân phố. Tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy là 689 con với tổng trọng lượng gần 37 tấn.
Để bảo vệ tốt đàn lợn cũng như giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, huyện Lục Yên đã và đang tích cực tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn ở vùng chưa bị dịch chuyển sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; những hộ ở vùng dịch có lợn đã bị tiêu hủy thì chuyển đổi sang vật nuôi khác phù hợp với điều kiện địa phương và thị trường.
Thời điểm này, huyện Lục Yên xác định vỗ béo cho trâu, bò, dê và gia cầm như: gà, vịt… là vật nuôi quan trọng trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Theo đó, các ngành chức năng của huyện đã tích cực tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT chăn nuôi các con giống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Song song với đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con chưa vội tái đàn bởi mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành dễ dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Việc tái đàn nên thận trọng ở những hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, có đủ điều kiện, tiềm lực để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Với những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học thì chọn vật nuôi khác.
Trước tình hình DTLCP như hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để duy trì sản xuất tại các gia trại, trang trại sẽ góp phần tạo nguồn thu cho người nông dân. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đưa những vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao và áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất; tập trung quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.
Khắc Điệp (Trung tâm TT&VH Lục Yên)