Yên Bái: Chăn nuôi trong “bão” dịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/7/2019 | 8:07:47 AM

YênBái - Qua “bão” giá lại đến “bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP). Chưa lúc nào người nuôi lợn cả nước nói chung và Yên Bái nói riêng lại gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong chăn nuôi lợn như thời gian gần đây. Những dãy chuồng trại trống hoác, những người nông dân với vẻ mặt đầy lo lắng.

Trại nuôi lợn siêu nạc của hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuấn, tổ 15 A, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.
Trại nuôi lợn siêu nạc của hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuấn, tổ 15 A, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Trong khi tình hình BDTLCP trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề giữ an toàn cho các cơ sở, các hộ gia đình chăn nuôi, tái đàn trong thời gian tới đang được các địa phương, ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm.

Giữ đàn lợn bằng mọi cách

Theo sự giới thiệu của cán bộ xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Cảnh Hưng ở thôn Hồng Thái. Vốn thuần nông nhưng có kiến thức về nông nghiệp lại chịu khó nên gia đình anh Hưng đã có một mô hình kinh tế tổng hợp, trong đó, chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả được tập trung đầu tư lớn nhất.

Thấy có khách, anh Hưng dừng việc căng tấm lưới đen trước cổng nhà và mời chúng tôi vào uống nước. Đôi mắt buồn rười rượi nhìn về phía dãy chuồng lợn rộng khoảng 300 m2 cách ngôi nhà chừng 50 m, anh Hưng cho biết: "Chăn nuôi lợn mấy năm nay khó khăn quá anh ạ! Năm trước thì giá thấp, đến đầu năm nay giá lợn phục hồi, đàn lợn tăng lên thì người nuôi lợn lại gặp khó do BDTLCP hoành hành”.

Đến thời điểm này, Nga Quán chưa xuất hiện BDTLCP nhưng những ảnh hưởng của nó đến người chăn nuôi lợn thì đã rõ. Ngay như nhà anh Hưng, ngoài theo dõi, cập nhật thông tin về BDTLCP, gia đình anh đã phải bỏ ra trên 4 triệu đồng để mua thuốc tiêu độc khử trùng, vôi, lưới quây quanh khu chăn nuôi để hạn chế côn trùng. Anh cũng áp dụng nhiều biện pháp khác để phòng bệnh cho đàn lợn như: thực hiện nấu chín cám cho lợn, hạn chế đi ra ngoài, nhất là đi qua những nơi đã xuất hiện BDTLCP, hạn chế, thậm chí không mua thịt lợn ở ngoài… 

"Được cán bộ địa phương tuyên truyền và thực hiện nghiêm ngặt nhiều biện pháp phòng bệnh nên đàn lợn của gia đình với gần 90 con phát triển ổn định, trong đó, có 7 con lợn nái và gần 30 con trọng lượng khoảng 80 kg có thể xuất bán” - anh Hưng cho biết thêm.

Cách nhà anh Hưng trên 1 km, bà Nguyễn Thị Bắc cùng thôn Hồng Thái cũng sốt ruột không kém bởi 2 con lợn nái và 30 con lợn có trọng lượng từ 30 - 80 kg là một khoản đầu tư và hy vọng là nguồn thu nhập lớn của gia đình. Do sức khỏe yếu nên bà Bắc nghỉ chạy chợ về nhà làm nghề nấu rượu, nuôi lợn. 

Bà Bắc bộc bạch: "Với đàn lợn hiện có, ưu tiên hàng đầu là phòng bệnh. Gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đồ dùng, dụng cụ chăn nuôi, rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng chuồng trại, hạn chế người qua lại khu vực chăn nuôi…”. 

Là một trong những địa phương bị thiệt hại do BDTLCP, hiện huyện Trấn Yên tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi về tình hình, diễn biễn của dịch bệnh, sự nguy hiểm và con đường lây lan để người dân chủ động phòng dịch. 

Quyết tâm duy trì chăn nuôi bảo vệ đàn lợn hiện có, tái đàn tại chỗ, huyện Trấn Yên tập trung hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt công tác chăm sóc, vệ sinh, thực hiện tiêm phòng các loại vắc - xin phòng bệnh theo quy định; tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...

Ngoài tăng cường dập dịch ở những địa phương có lợn nhiễm bệnh, việc chăn nuôi, duy trì đàn lợn ở những địa phương chưa xuất hiện dịch hiện nay được các cấp từ tỉnh đến xã đặc biệt quan tâm. Yên Bái tập trung chỉ đạo đưa ra các giải pháp đới với các địa phương chưa có dịch nhằm bảo vệ nghiêm ngặt các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, hạn chế đến mức tối đa dịch phát sinh, dịch lây lan tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Tổ kiểm soát liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, các chốt kiểm soát dịch bệnh động vật kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào địa bàn tỉnh, giữa các huyện trong tỉnh, nơi đã có các ổ dịch và việc vận chuyển lợn đến nơi giết mổ; kiểm soát  theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên. 

Xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không có nguồn gốc, không thực hiện các thủ tục, hồ sơ về kiểm dịch vận chuyển theo quy định, kể cả việc bán thịt lợn không đúng nơi quy định. 



Chăn nuôi lợn siêu nạc ở Công ty Hoàng Vũ, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. 

Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cán bộ chuyên môn chỉ đạo đến tận cơ sở, trưởng thôn quán triệt tới từng hộ thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động phòng, chống. Kiểm soát chặt chẽ đàn lợn nuôi, nguồn thức ăn sử dụng, hạn chế người không có nhiệm vụ ra vào khu vực chuồng nuôi, hạn chế không cho các vật nuôi khác, côn trùng đến khu chuồng nuôi lợn”. 

Thận trọng tái đàn

Đến 15 giờ ngày 16/7/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 1.025 hộ ở 160 thôn, bản, tổ dân phố của 71 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 6.229 con, trọng lượng 289.808 kg. 

Đến ngày 15/7/2019, có 12 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh. Có 4 xã qua 30 ngày lại phát sinh lợn mắc dịch. Thực tế, công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn. 

Đó là, nhận thức của nhiều người chăn nuôi chưa thực hiện tốt các biện pháp để phòng, chống dịch, chưa nhận thức rõ sự nguy hiểm của bệnh, nhập con giống không rõ nguồn gốc; chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đại đa số. 

Hiện nay, tại địa bàn tỉnh có 12 trang trại và gần 1.000 cơ sở chăn nuôi từ 50 con lợn thịt trở lên. Các cơ sở này cần thực hiện nghiêm các quy trình về chăn nuôi an toàn sinh học, đó là áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Các cơ sở cần đảm bảo yêu cầu về chuồng trại, về con giống, về thức ăn, nước uống, về vệ sinh thú y, về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. 
Ở các huyện vùng cao, phần lớn lợn của các hộ được thả rông và đây là hình thức chăn nuôi khó kiểm soát đối với dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung và trong tổng số 610 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chỉ có 18 cơ sở được đủ điều kiện vệ sinh thú y được cấp giấy, còn 592 điểm/cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đủ điều kiện vệ sinh thú y vẫn thực hiện giết mổ. 

Mặt khác, nhân lực thực hiện nhiệm vụ thiếu, không kiểm soát được hết việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn, việc xử lý ổ dịch có nơi còn thiếu sự giám sát của cán bộ chuyên môn. Chính sách hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia chống dịch vừa qua còn thấp và chưa kịp thời, do đó chưa động viên được đội ngũ tham gia phòng chống dịch bệnh tại địa phương... 

Do trên địa bàn tỉnh phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ nên rất khó để kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra, BDTLCP chưa có vắc - xin phòng bệnh, chưa có nơi sản xuất giống đảm bảo an toàn dịch bệnh đủ cung ứng trong địa bàn tỉnh. Mặt khác, con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng vận chuyển từ nơi khác về qua các vùng dịch thì cũng rất dễ cảm nhiễm bệnh. 

Vì vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chỉ đạo, đối với chăn nuôi nhỏ lẻ không nên tái đàn vào thời điểm này và cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để chủ động và có kế hoạch cụ thể mới tái đàn. Chỉ tái đàn tại các cơ sở đang an toàn với BDTLCP, cơ sở tự chủ động được con giống và sản xuất tại chỗ; đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp để bảo vệ đàn lợn như tiêu độc khử trùng, kiểm soát nguồn thức ăn, nước uống. 



Cán bộ nông nghiệp huyện Trấn Yên, xã Nga Quán tuyên truyền về BDTLCP cho hộ chăn nuôi thôn Hồng Thái. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo chỉ tái đàn sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn mắc bệnh lần cuối cùng và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tiến hành công bố hết dịch trên địa bàn. Sau khi công bố hết dịch ít nhất 3 tháng, cơ sở chăn nuôi từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với BDTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại khu chăn nuôi; triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn gia súc theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát kinh doanh buôn bán vận chuyển gia súc và giết mổ gia súc...”. 

Lúc này, các cấp, các ngành đang tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống BDTLCP, quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất để ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện tốt phương án sản xuất bù đắp thiếu hụt sản phẩm chăn nuôi do dịch bệnh gây ra để đảm bảo tăng trưởng của ngành đạt kế hoạch đề ra. 

Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:



Để có thể an toàn với BDTLCP, đảm bảo sự tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng phương án chuyển hướng chăn nuôi cho bà con tại địa bàn tỉnh sang đối tượng vật nuôi khác như gia cầm, trâu, bò và một số vật nuôi khác. 

Khi tỉnh công bố hết dịch, để tái đàn, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng nội dung tiếp theo cho giai đoạn 2021 - 2025; định hướng chăn nuôi, đối tượng vật nuôi, vùng chăn nuôi phù hợp, góp phần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh.

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Yên Bái:



Đối với cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên tái đàn vào thời điểm này do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, nếu tái đàn cần tự chủ động sản xuất con giống tại chỗ. 

Trường hợp nhập con giống về con giống phải được mua từ cơ sở có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với BDTLCP trong thời gian còn hiệu lực. Vận chuyển con giống theo lộ trình đường đi không qua các vùng có dịch, phương tiện vận chuyển phải được tiêu độc khử trùng và khi thực hiện vận chuyển con giống phải thực hiện theo hướng dẫn và giám sát của cơ quan chuyên môn. 

Ông Triệu Việt Phú - Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc, huyện Lục Yên:



Mặc dù hiện tại trên địa bàn xã chưa xuất hiện BDTLCP nhưng do một số xã giáp ranh với An Lạc như xã Long Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; xã Tô Mậu, huyện Lục Yên đã xuất hiện BDTLCP nên xã đã nghiêm túc triển khai công điện của huyện về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống BDTLCP, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống BDTLCP. Xã đã thành lập tổ công tác và phân công công chức xã phụ trách thôn, trưởng thôn rà soát số hộ có nuôi lợn, thống kê số lợn, thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra phòng chống dịch bệnh… 

Thành Trung

Tags Yên Bái dịch tả lợn châu Phi chăn nuôi lợn tái đàn hộ gia đình ngành nông nghiệp dịch bệnh kiểm soát thức ăn tiêu độc khử trùng

Các tin khác
Nghị định 20 ra đời năm 2017, tức là hơn hai năm qua nó đang trở thành rào cản và gây khó khăn cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật giảm đi...

Năm 2019, huyện Mù Cang Chải được UBND tỉnh giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 124,2 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2018, chỉ tiêu phấn đấu của huyện là 127,5 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán tỉnh.

Ngày 19/7/2018, trận lũ xảy ra ở bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) đã làm 15 ngôi nhà cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 40 hộ phải di dời đến nơi an toàn; 62 ha lúa, ngô bị vùi lấp; 8 cầu dân sinh, ngầm tràn bị phá hủy… Tổng thiệt hại trên 17 tỷ đồng. Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và huyện Văn Yên, sự chung tay của cộng đồng, đến nay, 100% hộ dân ở khu tái định cư bản Lùng đã thích nghi, làm chủ cuộc sống mới, vươn lên thoát nghèo.

Quang cảnh Hội nghị

Chi cục Thuế thành phố Yên Bái vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và chống thất thu thuế đối với hộ khoán trên địa bàn với sư tham gia của trên 100 đại biểu đại diện cho 17 xã, phường và cán bộ thuế các đội trực thuộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục