Gia đình anh Trần Ngọc Nội ở thôn Bắc, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã trồng tre Điền trúc lấy măng từ những ngày đầu tiên cách đây 11 năm. Kiên trì với giống cây này, hàng năm ngoài thu 30 triệu đồng từ bán măng cho thương lái, anh còn thu 70 triệu đồng từ việc chế biến măng thành các sản phẩm măng khô, măng ớt bán ra thị trường.
Anh Nội tâm sự: "Từ những năm 2008, gia đình tôi đã bắt đầu trồng 3 ha tre lấy măng Điền trúc theo dự án. Lúc bấy giờ, cả xã trồng nhộn nhịp lắm. Nhưng khoảng hơn một năm sau, chẳng hiểu lý do gì, nhà đầu tư tạm dừng, người dân lo sợ chặt bỏ đi nhiều lắm nhưng gia đình tôi vẫn cứ quyết tâm trồng. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ giống này trồng 1 lần mà thu được cả vài chục lần, không mất nhiều công chăm sóc và vốn liếng, phân bón nên quyết "liều" một phen. Giờ đây, 3 ha ấy ngày càng cho thu nhiều hơn theo năm tháng, mỗi năm giúp gia đình tôi bỏ túi 100 triệu đồng. Sự "liều lĩnh" năm xưa đã được đền đáp xứng đáng”.
Không chỉ có những hộ gia đình trồng quy mô nhỏ lẻ như anh Nội, ở Thượng Bằng La những năm 2008 còn thành lập 29 tổ hợp tác (THT) nhằm phát triển hiệu quả giống cây này. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn lại 2 THT và THT măng Điền trúc thôn Dạ là một trong hai THT đã và đang hoạt động rất hiệu quả, tiêu biểu cho một mô hình THT kiểu mẫu.
Với 13 thành viên, canh tác trên tổng diện tích 20 ha, THT đã phân bổ, đôn đốc, giám sát các thành viên cùng nhau làm việc rất cụ thể, ý thức trách nhiệm của từng cá nhân đều rất cao.
Ông Hoàng Hữu Hương - Tổ trưởng THT măng Điền trúc thôn Dạ cho biết: "Từ tháng 7 đến hết tháng 9 là thời gian măng cho thu hoạch, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi đi thu hái măng với sự tham gia đầy đủ của 13 thành viên. Thu hoạch xong, đến cuối tháng 12 sẽ tổ chức đi chặt tỉa cây mẹ bán cho nhà máy giấy. Tháng 4 tổ chức các buổi đi chặt chồi, tập trung cho măng phát triển. Cuối vụ, chúng tôi hạch toán, cân đối thu chi để chia lợi nhuận cho các thành viên. Như vụ măng năm ngoái, THT thu được trên 60 tấn măng đã sơ chế, giá bán từ 4.200 đồng – 5.000 đồng/kg, chia đều cho mỗi thành viên khoảng 20 triệu đồng”.
Tổng tiền thu về được THT ra quy chế, sử dụng 80% chia đều cho các thành viên, 8% phụ cấp trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm THT, 12% đưa vào quỹ tái sản xuất. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc ăn uống trong các buổi đi làm tập thể, thăm hỏi ốm đau các thành viên, mua sắm dụng cụ sản xuất và cho thành viên vay vốn với lãi suất 1%/tháng.
Đến nay, toàn xã Thượng Bằng La chỉ còn lại 120 ha trồng tre Điền trúc, giảm 8 lần so với những năm 2008, song giống cây này đã thực sự khẳng định hiệu quả về kinh tế. Trong khi các giống cây lâm nghiệp khác có chu kỳ từ 5 - 10 năm, thậm chí là 15 năm thì giống này chỉ trồng 1 lần, cần 2 năm sinh trưởng phát triển, còn lại là thời gian thu hoạch từ 40 - 50 lần. Hơn nữa, thân tre khoảng 3 năm tuổi còn được thu tỉa trở thành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến giấy vừa tăng thu nhập vừa giúp cây phát triển măng.
Ông Hoàng Xuân Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: "Ngoài những lợi ích về kinh tế, cây tre Điền trúc này thường được trồng ở nơi đất dốc có thể bảo vệ đất, chống xói mòn, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc hiệu quả. Với những lợi ích đó, người dân trong xã mong muốn tỉnh, huyện xây dựng dự án hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật để tiếp tục mở rộng quy mô giống cây này lên 300 ha, góp phần giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Nguyễn Hoài