Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang gồm 13 huyện với 74 xã. Tổng diện tích đất có rừng vùng giáp ranh là 273.329 ha, trong đó, rừng tự nhiên 242.429 ha, rừng trồng 30.900 ha.
Đây là trung tâm đa dạng sinh học của nước ta với các khu rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Bát Xát, Mù Cang Chải diện tích rừng tự nhiên còn tương đối lớn với trữ lượng, chất lượng rừng cao, tính đa dạng sinh học phong phú, lưu trữ nhiều nguồn gen quý, hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo vệ như: vân sam Phan Xi Păng, thiết sam, bách tán Đài Loan, pơ mu, thích tím, vượn đen tuyền, cầy vằn Bắc, gà lôi tía, gà lôi trắng, trèo cây lưng đen, cá cóc Tam Đảo.
Thực hiện quy chế phối hợp, các hạt kiểm lâm các huyện giáp ranh tham mưu giúp UBND huyện củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện; đồng thời, phân công từng thành viên phụ trách các xã, thị trấn; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch PCCCR phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; chỉ đạo UBND các xã giáp ranh kiện toàn ban chỉ đạo PCCCR cấp xã và các tổ chuyên trách BVR thôn, bản.
Qua đó, khu vực giáp ranh 4 tỉnh đã củng cố, kiện toàn 13 ban chỉ đạo cấp huyện với 729 thành viên; 74 ban chỉ đạo cấp xã với 2.267 thành viên; 843 tổ chuyên trách BVR ở các thôn, bản với hơn 21.000 thành viên.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh bạn triển khai nhiều đợt tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, vận động nhân dân ký cam kết BVR, không xâm canh, xâm cư trái pháp luật; không khai thác, chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; không mở rộng diện tích trồng cây thảo quả trong khu rừng đặc dụng.
Hàng năm, tại khu vực giáp ranh đã tổ chức được trên 500 cuộc họp thôn, bản với gần 30.000 lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết BVR và PCCCR ở 376 thôn, bản với 28.000 hộ. Bên cạnh tuyên truyền, công tác quản lý, BVR và quản lý lâm sản trên địa bàn giáp ranh được đặc biệt quan tâm.
Các đơn vị tham gia quy chế thực hiện tốt công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng khu vực giáp ranh, đặc biệt là khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Tính riêng năm 2018, tại địa bàn giáp ranh 4 tỉnh đã phát hiện, xử lý 187 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nộp ngân sách Nhà nước trên 807 triệu đồng.
Nhờ thực hiện tốt quy chế phối hợp, đã ngăn chặn cơ bản tình trạng cháy rừng, phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tuy nhiên, khu vực giáp ranh địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, lực lượng mỏng nên việc phối hợp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chưa được thường xuyên.
Mặt khác, dân trí khu vực này còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào rừng, tình trạng xâm canh, xâm cư, trồng cây thảo quả dưới tán rừng tiềm ẩn gây cháy rừng, phá rừng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây áp lực lớn với quản lý, BVR, quản lý lâm sản, bảo tồn thiên nhiên và PCCCR.
Để BVR giáp ranh đạt hiệu quả, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong quản lý, BVR, quản lý lâm sản và PCCCR; tăng cường trao đổi thông tin, nắm bắt tin báo, tố giác hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, thông tin cảnh báo cháy rừng.
Chi cục kiểm lâm các tỉnh chỉ đạo kiểm lâm địa bàn vùng giáp ranh tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện tốt BVR, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý chặt chẽ việc phát, đốt nương rẫy, tránh gây cháy lan vào rừng.
Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án phối hợp tuần tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh mọi tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đồng thời, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, tổ chức chữa cháy kịp thời, khẩn trương và hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ” khi có cháy rừng và thảm thực vật xảy ra ở địa bàn mình và vùng giáp ranh.
Các địa phương giáp ranh cần đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thực hiện thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế và từng bước đi đến chấm dứt việc đốt nương làm rẫy, từng bước nâng cao đời sống nhân dân nhằm hạn chế phá rừng.
Văn Thông