YênBái - Bà Phạm Thị Bình ở thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái trước đây đã từng nuôi gà nhưng chưa bao giờ nuôi số lượng lớn. Bắt đầu từ cuối tháng 2 năm nay, tham gia dự án chăn nuôi gà của thành phố, bà nuôi 500 con gà ri giống Dabaco và được hỗ trợ 8 triệu đồng.
|
Lãnh đạo UBND xã, Hội Nông dân xã Minh Bảo trao đổi kinh nghiệm sản xuất với bà Phạm Thị Bình.
|
Kỹ thuật chăn nuôi gà mà bà có là nhờ tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật do xã phối hợp với các cơ quan ngành nông nghiệp tổ chức cho người dân địa phương.
Trong suốt quá trình nuôi lứa gà, bà thực hiện đúng kỹ thuật đã được cán bộ hướng dẫn cũng như tự rút kinh nghiệm thực tế. Có điểm khác lúc trước là chuồng nuôi gà rộng 60 m2, bà làm đệm lót trấu sinh học, vừa giảm bớt mùi hôi do chất thải của gà lại vừa có nguồn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt sau mỗi lứa nuôi.
Về nguồn cám nuôi gà, nhờ cán bộ xã tạo điều kiện nên đến tận khi bán hết gà thì bà mới phải trả tiền cho đại lí. Theo chia sẻ của bà Bình, nếu so với nuôi lợn thì nuôi gà vất vả hơn nhưng bù lại giá cả ổn định hơn, không lên xuống thất thường. Sau ba tháng rưỡi nuôi lứa gà này, bà đã xuất bán vào đầu tháng 6.
Vừa bán buôn vừa bán lẻ, giá bán buôn 49.000 đồng/kg, giá bán lẻ 60.000 đồng/kg, ước tính bà thu về tiền lãi khoảng 10 triệu đồng trong khi chuồng nhà vẫn còn độ 40 con gà.
Thời điểm hiện nay, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh, cộng với sự trợ giúp của cán bộ xã về tìm thị trường tiêu thụ nên bà Bình rất yên tâm về việc xuất bán gà. Vì vậy, giữa tháng 7 vừa qua, bà đã tiếp tục đầu tư nuôi lứa gà thứ hai trong năm nay. Lần này, bà nuôi 350 con gà nhưng cũng sẽ tiếp tục nuôi kế thêm loạt mới.
Ông Bùi Việt Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Bảo cho biết, từng làm công tác thú y tại địa phương nên qua thực tế theo dõi nhiều năm, ông nhận thấy bà Bình chăn nuôi rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, khi tham gia dự án và lần đầu thực hiện chăn nuôi số lượng lớn nên bà Bình có những băn khoăn, lo lắng về nguồn vốn đầu tư, về con giống, về thị trường tiêu thụ… cũng là điều dễ hiểu. Bởi thế ông đã quan tâm, sâu sát, tuyên truyền, vận động, thuyết phục để bà Bình tham gia và cũng đã đạt được kết quả ban đầu.
Bà Phạm Thị Bình phấn khởi cho biết: "Có sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ xã từ việc động viên tinh thần, cung cấp địa chỉ bán con giống tốt, giới thiệu đại lý bán cám có uy tín, giúp tìm thị trường tiêu thụ thật sự là thiết thực đối với tôi từ khi tham gia dự án. Nhờ nuôi gà quy mô như thế này nên gia đình tôi có thêm một nguồn thu nhập ổn định”.
Nguyễn Thơm
Tags
Minh Bảo
nuôi gà
Điểm nổi bật trong hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên thời gian gần đây là đã xây dựng các mô hình trình diễn được đánh giá cao, đưa vào áp dụng tại nhiều địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hiện nay, số hộ thanh niên đã xây dựng được mô hình trang trại chiếm khoảng 25% trong tổng số trang trại trong toàn tỉnh, được chia làm 5 loại hình chủ yếu: trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và tổng hợp VACR.
Thời gian qua, việc thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng (BVR), quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, góp phần giữ màu xanh những cánh rừng vùng giáp ranh.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm ước đạt trên 7.157 tỷ đồng, bằng 47,7% kế hoạch, tăng 30,5%, tương đương 162,7 tỷ đồng so với cùng kỳ.