Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa ngành dâu tằm tơ phát triển ổn định, tỉnh Yên Bái đang triển khai, thực hiện xây dựng Đề án "Phát triển dâu tằm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng 2025”. Theo đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án, mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định và làm giàu cho nông dân.
Nghề trồng dâu nuôi tằm nếu được đầu tư đúng hướng, có những bước đi vững chắc trong sản xuất, kinh doanh thì không chỉ giải quyết được việc làm cho số đông lao động nông thôn trong tỉnh mà còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Hiện, toàn tỉnh có trên 550 ha dâu, chủ yếu tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, trong đó, Trấn Yên là địa phương phát triển nghề dâu tằm sớm nhất và có diện tích dâu lớn nhất.
Để từng bước đưa ngành dâu tằm tơ tỉnh Yên Bái phát triển ổn định và phát huy hết tiềm năng, cùng với hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức liên doanh, liên kết với các hộ trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị từ khâu cung ứng giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo phát triển bền vững, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 7/2019, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng mới 3 nhà nuôi tằm con tập trung, 33 nhà nuôi tằm lớn theo tiêu chuẩn kỹ thuật mới có khả năng kiểm soát dịch bệnh và tăng năng suất hiệu quả nuôi tằm; hỗ trợ mua 179 bộ né gỗ ô vuông để thay đổi phương pháp lên né tạo sản phẩm chất lượng cao phù hợp với công nghệ chế biến (ươm tơ tự động).
Toàn tỉnh thành lập mới gần 40 tổ hợp tác trồng dâu tằm. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào trồng dâu nuôi tằm nên các tổ hợp tác nuôi tằm con trên khay nhựa, nuôi tằm trên nền xi măng, cho tằm lên né gỗ… đã giảm chi phí, công lao động, tăng số lượng tằm nuôi trên đơn vị diện tích nhà tằm và tăng năng suất, chất lượng kén. Đặc biệt, đến nay, một số tổ hợp tác và hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm đã ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc. Đây chính là cơ sở, động lực để các hộ trồng dâu nuôi tằm yên tâm sản xuất và gắn bó hơn với nghề.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh trồng mới 745 ha dâu, hình thành vùng sản xuất dâu tập trung có quy mô trên 1.160 ha, năng suất kén từ 1,5 lên 2 tấn/ha, sản lượng kén toàn tỉnh đạt 2.340 tấn, giá trị đạt trên 240 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 3.000 lao động với mức thu nhập 50 triệu đồng/người/năm, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch diện tích đất trồng dâu vào kế hoạch sử dụng đất của địa phương; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, vận động chính quyền địa phương các cấp và các hộ dân tiếp tục tham gia thực hiện đề án chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, mở rộng vùng trồng dâu sang các bãi bồi ven sông, suối, chân đồi thấp và lựa chọn các giống dâu vào trồng phù hợp với từng vùng, từng chất đất.
Vận động các hộ trồng dâu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dâu tằm và đổi mới phương thức tổ chức liên kết sản xuất thông qua việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp cùng các tổ chức nghiên cứu, xây dựng và hướng dẫn quy trình trồng dâu theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất...
Hồng Oanh