Yên Bái hiện có 372 hợp tác xã và 673 tổ hợp tác, chưa kể hàng trăm trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Nếu như trước đây, chỉ vài ba doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thì nay, toàn tỉnh có gần 500 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, liên kết trong lĩnh vực này.
Sản xuất nông nghiệp Yên Bái vài năm trở lại đây có những bước phát triển mạnh mẽ. Liên tục nhiều năm tốc độ tăng tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản (GRDP) đều đạt trên 4%. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2018 đã đạt gần 7.000 tỷ đồng.
Những kết quả đó phản ánh sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn cũng như mức độ đầu tư và phát triển trong sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh. Trong đó, cái được lớn nhất là sự chuyển dịch rõ nét từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sang phát triển sản xuất theo tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của thị trường.
Quy mô sản xuất cũng ngày một lớn hơn, tập trung hơn theo hướng hàng hóa và thị trường. Quan trọng hơn, trong sản xuất đã phát triển mạnh các hình thức sản xuất mới, đặc biệt là các hình thức liên kết theo tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp đầu mối đã và đang hình thành, phát triển.
Cạnh đó, các đề án, chính sách phát triển sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 như các đề án: Hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò: chăn nuôi lợn; chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi dê...; phát triển nuôi trồng thủy sản; phát triển cây ăn quả; hỗ trợ phát triển chè vùng cao; hỗ trợ canh tác ngô đông trên đất 2 vụ lúa; phát triển cây quế; hỗ trợ phát triển tre măng Bát độ; phát triển cây sơn tra; phát triển trồng dâu nuôi tằm; nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021... đã có những tác động mạnh và đem lại hiệu quả, làm cho giá trị sản xuất nông nghiệp ngày một tăng.
Năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 6.876 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 60 triệu đồng; mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 129 triệu đồng/ha. Cùng đó, đã có sự chuyển dịch mạnh từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, bình quân đạt 2% mỗi năm. Chất lượng lao động nông nghiệp nâng lên rõ rệt, hàng năm có hàng ngàn lao động được đào tạo nghề.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có trên 11.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, dự kiến cả năm toàn tỉnh đào tạo nghề cho 23.700 lao động nông thôn ở các cấp trình độ, trong đó có 6.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề. Số lao động được hỗ trợ học nghề, đào tạo đã phù hợp với nhu cầu người học và gắn với định hướng phát triển của địa phương như nghề nuôi tằm và sơ chế kén tằm, trồng và sơ chế măng tre Bát độ, sản xuất mây, tre, song đan…
Có định hướng cho phát triển và được sự đầu tư, hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách, nông dân Yên Bái đã có những tư duy mới, hình thức mới trong sản xuất. Sản xuất không chỉ lấy cái ăn, mà giờ là sản xuất hàng hóa, lấy giá trị kinh tế trên mỗi héc-ta canh tác làm thước đo, sản xuất không đơn lẻ mà đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và thành lập tổ hợp tác, nhóm hợp tác, nhóm hộ… Toàn tỉnh hiện có 372 hợp tác xã, trong đó hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 218 hợp tác xã, chiếm 60%; bên cạnh đó, có 673 tổ hợp tác và hàng trăm trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Nếu như trước đây, chỉ vài ba doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thì nay, toàn tỉnh có gần 500 doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực này.
Song song với khuyến khích, thành lập và phát triển các doanh nghiệp, tỉnh đã rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu ổn định, củng cố và nâng cấp các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, giảm các cơ sở chế biến nhỏ lẻ.
Hiện tại, Yên Bái có 115 cơ sở chế biến chè, 490 cơ sở chế biến gỗ, 14 cơ sở chiết xuất tinh dầu quế và 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn có dây chuyền công nghiệp được đầu tư bằng công nghệ và thiết bị đồng bộ.
Cùng đó, các làng nghề như làng nghề miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái), làng nghề tranh đá quý (Lục Yên), làng nghề dệt thổ cẩm, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), làng nghề dâu tằm tơ và miến dong (Trấn Yên), làng nghề đan rọ tôm (Yên Bình), làng nghề sản xuất mỹ nghệ thủ công từ cây quế (Văn Yên)… phát triển mạnh.
Đáng chú ý, triển khai thực hiện xây dựng mỗi xã một sản phẩm, các địa phương, các hộ gia đình, các doanh nghiệp đã và đang triển khai 31 dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 65 chuỗi giá trị.
Phát triển mạnh các hình thức trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất liên doanh, liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ nâng cao giá trị, ổn định trong tiêu thụ sản phẩm, sản xuất ổn định và bền vững mà còn phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.
Thanh Phúc