Chủ xưởng Vi Đức Trụ thì cặm cụi xúc mùn cưa cùng công nhân. Phủi qua lớp bụi phủ trên áo, anh vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.
Chuyện là, sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ và đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Tốt nghiệp ra trường, không xin được việc làm, anh đi làm công nhân cho Công ty Sông Đà.
Nhờ chịu khó học hỏi nên Trụ tìm được vị trí việc làm với nguồn thu ổn định. Thế nhưng, mỗi lần về quê, thấy hầu hết thanh niên, người trong độ tuổi lao động rời quê đi làm ăn xa do không có việc làm, ý tưởng trở về tạo dựng một cơ sở sản xuất nhỏ thu hút lao động địa phương cứ lớn dần trong anh. Năm 2017, anh xin nghỉ việc và về quê làm kinh tế.
Nhận thấy địa phương sẵn nguyên liệu gỗ, lực lượng lao động dồi dào, năm 2018, với số vốn ít ỏi và vay mượn thêm anh quyết định mở xưởng tràng hạt gỗ.
Ban đầu, anh chỉ đầu tư 3 máy dập hạt gỗ, đến nay đã phát triển lên 15 máy, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu đồng. Xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương, những lúc cao điểm thu hút trên 30 lao động với mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm làm ra đến đâu xuất bán hết đến đó, nhiều khi không đủ hàng cung cấp cho đối tác. Việc sản xuất hạt tràng gỗ tương đối nhẹ nhàng, phụ nữ, người lớn tuổi, thanh thiếu niên nghỉ hè cũng có thể làm để có thêm tiền mua sắm, sách vở, quần áo cho năm học mới, hạn chế tình trạng thanh thiếu niên không có việc làm lại tụ tập đi chơi, nghiện game.
Bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Tân Lập năm nay đã 67 tuổi cho biết: không có việc làm nên các con của bà cũng đi làm ăn xa, hai vợ chồng già yếu ở nhà, tìm kiếm việc làm để có thu nhập rất khó khăn, nhờ có xưởng tràng hạt gỗ này bà đến đây để gõ hạt, mỗi ngày cũng được 100.000 - 150.000 đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Trụ mong muốn những người dân nghèo quê mình tìm được hướng làm ăn mới, vươn lên làm khấm khá. Bất cứ ai đến học hỏi anh đều chân tình chia sẻ, lên ý tưởng kinh doanh, giúp liên hệ đặt máy móc, liên hệ đầu ra cho sản phẩm...
Nhờ sự giúp đỡ của anh, hiện nay trong thôn đã có 3 xưởng tràng hạt gỗ được thành lập, các xưởng hoạt động tốt, tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Để minh chứng, anh Trụ giới thiệu chúng tôi đến thăm xưởng của anh Hoàng Văn Yên. Gặp chúng tôi, anh Yên chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, nhà có 2 con nhỏ, ruộng nương ít. Để nuôi các con ăn học, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn và làm công nhân ở khắp mọi nơi, thu nhập bấp bênh mà lại không có điều kiện chăm lo con cái. Thấy xưởng của anh Trụ hoạt động tốt, tôi đã sang nhờ giúp đỡ, được anh ấy tận tình chia sẻ, vợ chồng tôi mạnh dạn vay vốn để đầu tư mua 5 máy, vừa có thu nhập vừa tạo việc làm cho 10 lao động trong xã”.
Cùng với phát triển kinh tế, anh Trụ luôn là một công dân gương mẫu, nhiệt tình trong mọi công việc. Được tổ chức Đoàn bồi dưỡng, Chi bộ vận động, anh đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu và năm 2017 vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Anh chia sẻ: "Khi trở thành một đảng viên, mình cảm thấy rất tự hào, mình luôn suy nghĩ đảng viên là phải gương mẫu, mạnh dạn đi đầu, dám nghĩ, dám làm và không được đói nghèo. Từ đó, mình đã nỗ lực học hỏi để bắt tay gây dựng xưởng tràng hạt gỗ đi đến thành công hôm nay”.
Gương mẫu phát triển kinh tế, anh Trụ còn vận động gia đình, anh em họ hàng và bà con trong thôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công việc kinh doanh luôn bận rộn nhưng anh tham gia sinh hoạt chi bộ đều đặn, mạnh dạn đấu tranh phê bình, tham gia nhiều ý kiến xây dựng chi bộ và thôn, bản phát triển.
Nhận xét về đảng viên trẻ Vi Đức Trụ, đồng chí Hoàng Văn Bột – Bí thư Chi bộ thôn 8 cho biết: "Đồng chí Trụ luôn là một đảng viên gương mẫu, chấp hành nghiêm Điều lệ và các quy định của Đảng, dám đấu tranh, phê bình với khuyết điểm, hạn chế, những mặt trái tiêu cực ngay tại thôn bản. Trong phát triển kinh tế rất mạnh dạn và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Đồng chí là một trong những điển hình tiên tiến góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển”.
Anh Dũng