Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại cuộc họp với đại diện 11 bộ ngành để bàn các giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng và tái xuất các lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, sau ngày 17/9/2018 về cơ bản đã hạn chế được các lô hàng tồn đọng không có chủ hàng đến nhận.
Tính đến hết tháng 6/2019, đối với việc tái xuất các lô hàng phế liệu vi phạm quy định, không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan hải quan của các địa phương đã yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 503 container. Trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 106 container phế liệu giấy, 98 container phế liệu sắt, thép và 10 container phế liệu khác.
Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiếp tục xử lý các container đang tồn đọng hiện nay tại các cảng trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho rằng, để xử lý dứt điểm các container đang tồn đọng cần phân loại phế liệu theo đúng tiêu chí, xác định là chất thải sẽ yêu cầu chủ hàng vận chuyển ra khỏi lãnh thổ. Tuy nhiên, các hãng tàu thực hiện việc tái xuất đang rất chậm.
Cơ quan này đề xuất nếu các hãng tàu chậm trễ trong việc vận chuyển các lô hàng không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì Bộ Giao thông vận tải không cấp phép tiếp cho hãng tàu.
Đại diện Bộ Công an cho rằng, để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng và tái xuất các lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định thì các bộ cần thống nhất xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tránh để cá nhân, đơn vị lợi dụng kẽ hở vi phạm pháp luật đối với việc nhập khẩu phế liệu, hàng hóa không đảm bảo quy định về môi trường.
Đồng thời trang bị các phương tiện kiểm tra nhanh cho cơ quan hải quan để kiểm soát ngay tại cảng; có cơ chế để các cơ quan phối hợp chặt chẽ nhằm giảm thiểu các kẽ hở về mặt luật pháp…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các bộ, ngành liên quan cần xem xét để nhanh chóng xử lý, kiểm soát cũng như hạn chế các tác động tiêu cực của các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu về môi trường. Kiên quyết tái xuất, không để các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện vào Việt Nam; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức.
Bộ này đề nghị Bộ Tài chính rà soát, cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm quy định nhưng không thực hiện thủ tục tái xuất gửi về cơ quan cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để xem xét tước quyền sử dụng giấy xác nhận.
Để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung rà soát các quy định về hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, các hàng hóa được phép nhập khẩu có điều kiện; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu.
Căn cứ các quy định về việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, việc thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của cơ quan hải quan.
Do đó, ông Võ Tuấn Nhân cho rằng cần rà soát các biện pháp kiểm tra, kiểm soát rủi ro và đề xuất biện pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thông quan hàng hóa đã qua sử dụng. Trong phạm vi quản lý của các bộ, cần xây dựng chế tài xử lý vi phạm các quy định nhập khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng.