Theo đồng chí Phạm Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh, sở dĩ xã được chọn triển khai mô hình du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy nguồn lợi từ cây bưởi bởi Đại Minh đã được xem là "vườn bưởi lớn nhất tỉnh Yên Bái". Từ xa xưa, giống bưởi Đại Minh được mệnh danh là quả "tiến Vua" nổi tiếng khắp vùng nhờ mỗi quả bưởi chín đều có vị thơm, múi căng mọng, phần tôm và vỏ múi bưởi khi bóc ra rất dóc, ăn có vị ngọt thanh...
Thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh cũng là vùng đất tổ của giống bưởi Đại Minh, hiện còn nhiều cây bưởi hàng trăm năm tuổi vẫn sinh trưởng khỏe mạnh và cho quả đều đặn. Đặc biệt, kể từ năm 2010, khi Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh, trong đó có kỹ thuật bón tổng hợp cân đối các loại phân và phương pháp thụ phấn chéo cho cây bưởi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng bưởi Đại Minh.
Tiếp đến, năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Bưởi Đại Minh” đã càng khẳng định bước tiến mới cho sản phẩm này trên thị trường và tạo điều kiện để giống bưởi Đại Minh phát triển, mở rộng thị trường khắp các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng...
Nhờ vậy, đến nay, xã Đại Minh đã có nhiều mô hình trồng bưởi, vườn bưởi cổ thụ, vườn bưởi kiểu mẫu có quy mô diện tích lớn, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây bưởi theo hướng VietGap, sản phẩm hữu cơ... được hình thành. Hiện, toàn xã có trên 980 hộ dân thì có trên 80% số hộ trồng bưởi, tổng diện tích trên 270 ha, doanh thu mỗi năm đạt gần 50 tỷ đồng.
Hướng tới Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà lần thứ 2 năm 2019, huyện Yên Bình đã chỉ đạo xã Đại Minh khảo sát, vận động và hỗ trợ một số hộ gia đình có vườn bưởi tiêu biểu, thuận tiện việc lưu thông và đảm bảo nhu cầu lưu trú cho du khách để triển khai sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn liền với bảo tồn và phát huy lợi thế từ cây bưởi. Đây sẽ là hình thức du lịch tương đồng với du lịch miệt vườn đang phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Phạm Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh phấn khởi cho biết thêm: "Qua khảo sát 5 hộ gia đình trồng bưởi lâu năm trên địa bàn, gồm gia đình ông: Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân; Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Đông, Trần Đăng Khoa ở thôn Khả Linh, tất cả đều đồng tình thực hiện sản phẩm du lịch nông nghiệp".
Được biết, các hộ cũng đã dọn dẹp lại khuôn viên vườn tược, chuẩn bị những cây bưởi ngon nhất, sửa chữa và nâng cấp một số phòng ở, sân vườn đảm bảo nhu cầu lưu trú. Cùng đó, xã đã phân công cán bộ văn hóa thống nhất với người dân về phương hướng làm du lịch, truyền đạt kỹ năng làm du lịch.
"Đến với vùng bưởi Đại Minh, du khách sẽ được thả mình vào không gian làng quê yên tĩnh, sống trong những nếp nhà mộc mạc được bao quanh bởi màu xanh của cây bưởi, được thỏa thích tận hưởng hương vị ngọt ngào của giống bưởi Đại Minh và thưởng thức ẩm thực làng quê" - Bí thư Đảng ủy Hiền cho hay.
Với sự chuẩn bị chu đáo, sự đồng tình của người dân, tin rằng sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn liền với bảo tồn, phát huy nguồn lợi từ cây bưởi ở xã Đại Minh sẽ thu hút được sự quan tâm, trải nghiệm của đông đảo du khách.
Hoài Văn