Minh Bảo là xã được phê duyệt triển khai xây dựng 2 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với 2 sản phẩm là chè và ong mật do Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Minh Bảo chủ trì thực hiện. Đây là 2 sản phẩm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng cũng như lao động địa phương nhưng lại đang trong tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, năng suất chưa cao và đầu ra không ổn định.
Với tổng kinh phí là 2.454 triệu đồng, 2 dự án sẽ tạo điều kiện để người dân xã Minh Bảo trồng mới 10 ha chè, cải tạo 12 ha; nâng tổng số đàn ong từ 300 lên 750, sản lượng mật đạt 11,9 tấn/năm. Đối với sản phẩm chè, 21 hộ tham gia dự án sẽ sản xuất chè nguyên liệu theo hình thức tập trung, an toàn.
Theo đó, vùng sản xuất sẽ được lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích; các hộ tham gia được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, tập huấn các kỹ thuật sản xuất an toàn để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch chè nguyên liệu trong suốt quá trình triển khai dự án.
HTX còn liên kết trực tiếp người sản xuất với Công ty Chè Minh Thịnh thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, không còn sự xuất hiện trung gian của người thu gom. Còn đối với sản phẩm ong mật, ngoài những hỗ trợ tương tự như đối với sản phẩm chè, HTX sẽ xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Xuân Trường ở thôn Trực Bình chia sẻ: "Gia đình tôi có 70 đàn ong. Năm được mùa thì thu được 700 lít mật, mất mùa thì khoảng 500 lít, mỗi lít bán được 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng, chủ yếu bán lẻ qua các mối quen. Dự án thực hiện là cầu nối để nông dân chúng tôi được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất an toàn, sản phẩm được liên kết có đầu ra ổn định. Dù giá bán có thấp hơn so với chúng tôi bán lẻ thì chúng tôi vẫn sẽ vui vẻ đồng ý, quan trọng là lợi ích lâu dài”.
Sản phẩm rau an toàn ở 3 xã Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú cũng được hỗ trợ để sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với diện tích 11,86 ha.
Ông Trung Hải Sâm - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố, chủ trì dự án cho biết: "Bên cạnh diện tích rau an toàn có sẵn, Trung tâm đã phối hợp tổ chức đăng ký mở rộng diện tích: Âu Lâu mở rộng 0,28 ha, Tuy Lộc là 1,1 ha để chuẩn bị các điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trung tâm cũng đã làm việc với các công ty, cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp để liên hệ mua giống rau, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác để chuẩn bị cho các hộ dân bước vào canh tác vụ đông tới đây”.
Từ năm 2017, thành phố đã triển khai Đề án sản xuất rau an toàn, nhân dân 3 xã nằm trong Đề án đã thay đổi tư duy sản xuất theo phương pháp an toàn, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, tuy nhiên sản lượng chưa cao. Việc thực hiện dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sẽ một lần nữa hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn có kênh tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra, thành phố còn xây dựng phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với sản phẩm: miến đao ở xã Giới Phiên, chanh tứ thời xã Văn Tiến (trồng mới 10 ha), lợn thịt ở Tân Thịnh (20 cơ sở với quy mô 50 con/lứa).
Riêng sản phẩm lợn thịt tạm thời chưa triển khai do bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Các dự án tiếp tục được triển khai trong 2 năm 2019 - 2020, tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra. Chủ đầu tư ký hợp đồng với chủ trì dự án, chủ trì dự án ký hợp đồng với các hộ dân và nơi tiêu thụ, hạn chế các đầu mối trung gian; đầu vào đảm bảo chất lượng.
Với tổng kinh phí là 27,67 tỷ đồng, trong đó có 9,65 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp của nông dân thành phố được truy suất nguồn gốc, đáp ứng các điều kiện trước vòng quay ngày càng khắc nghiệt của thị trường.
Hoài Anh