Năm 2019, xã Lâm Giang sau 7 năm phấn đấu đã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM). Điều đáng quan tâm đây là xã vùng cao đầu tiên đạt chuẩn của huyện Văn Yên.
Suốt quá trình xây dựng NTM, địa phương xác định phải tập trung nâng cao thu nhập cho người dân. Với mũi nhọn trong phát triển kinh tế là nông nghiệp, xã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, các dự án phát triển kinh tế của tỉnh, của huyện.
Chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện mở 17 lớp đào tạo nghề, đã có 510 học viên của xã tham gia học nghề chế biến gỗ rừng trồng, chăn nuôi thú y, sửa chữa điện dân dụng, trồng bưởi, quản lý và phát triển trang trại, trồng nấm rơm. Nhiều học viên sau đào tạo đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo các mô hình này.
Ngoài ra, các hộ tích cực tham gia phát triển kinh tế, thành lập các tổ, nhóm sản xuất, hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Lâm Giang cũng chú trọng lựa chọn các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất như: trồng chuối, trồng bưởi ghép, liên kết sản xuất 700 ha sắn theo chuỗi với Nhà máy Sắn Văn Yên… và duy trì 44 mô hình chăn nuôi.
Dựa trên tiềm năng, lợi thế các thôn, địa phương quy hoạch và chia làm 3 vùng phát triển kinh tế: vùng 1 phát triển cây lâm nghiệp gắn với chăn nuôi đại gia súc; vùng 2 phát triển cây ăn quả; vùng 3 phát triển cây màu truyền thống.
Song song, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Kinh doanh cá thể hiện có 180 hộ, 2 doanh nghiệp tư nhân, 1 hợp tác xã, 6 xưởng chế biến gỗ đã tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Lâm Giang đạt 30,2 triệu đồng.
Cũng giống như Lâm Giang, cấp ủy và chính quyền các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Trong 10 năm qua, nhiều mô hình như: trồng lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, trồng tre măng Bát độ... có hiệu quả kinh tế cao đã tiếp tục được duy trì và nhân rộng tại các địa phương. Quan tâm bằng hành động thiết thực, tỉnh Yên Bái đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, bình quân hàng năm Yên Bái đã bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 43 tỷ đồng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có các đề án thành phần với những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng.
Hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường.
Đến nay, Yên Bái có 376 hợp tác xã (HTX), trong đó: 220 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Hướng chuyển dịch tích cực là các HTX gắn hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuyên ngành theo chuỗi giá trị.
Chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai nghiêm túc và hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo các năm đều giảm vượt mức kế hoạch đề ra.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 của tỉnh Yên Bái ước đạt khoảng 29,88 triệu đồng, tăng 19,03 triệu đồng so với năm 2010. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 17,68% và kế hoạch năm 2019 sẽ giảm 5,8%.
Nguyễn Thơm