Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống và làm thay đổi căn bản về quy mô, chất lượng và tư duy sản xuất. Từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Khi bước vào chương trình XDNTM, Yên Bái gặp muôn vàn khó khăn, hầu hết các xã đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất thiếu và yếu… nhưng sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến 31/8/2019, toàn tỉnh đã có 54/157 xã (34,3%) được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 30,4% so với cuối năm 2015, mức độ tăng cao hơn so với bình quân của khu vực miền núi phía Bắc là 7,85%).
Dự kiến đến hết năm 2019, đạt 68 xã (43,3%) được công nhận đạt chuẩn NTM, nằm trong nhóm 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên). Bình quân tiêu chí/xã đạt 13,69 tiêu chí (tăng 9,5 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 5,44 tiêu chí so với năm 2015), đảm bảo đủ khả năng hết năm 2020 bình quân đạt 16,2 tiêu chí/xã. Huyện Trấn Yên đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của cả tỉnh.
NTM đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần người dân một cách rõ rệt. Nhưng cái được rõ nét nhất, là hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được cải thiện, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào XDNTM.
Nhờ vậy, tổng nguồn vốn huy động XDNTM giai đoạn 2011-2020 là trên 23.730 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 9.556,0 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 6.688,7 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 2.867,3 tỷ đồng); vốn tín dụng 12.875,3 tỷ đồng; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác 473,5 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 825,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Chương trình, Yên Bái không có địa phương nào nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Đặc biệt, chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; đến nay, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, hệ thống đường giao thông của địa phương không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở mới với tổng chiều dài trên 7.470 km; trong đó, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa là 2.289 km, chiếm 30,6%; đường cấp phối và đường đất là 5.181 km, chiếm 69,4%, xây dựng 72 cầu dân sinh (13 cầu treo và 59 cầu cứng).
Đến nay, đã có 72/157 xã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, đạt 45,8%; 127/157 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, đạt 80,89%; 122/157 xã hoàn thành tiêu chí điện; 67/157 xã hoàn thành tiêu chí trường học, đạt 42,6%; 69/157 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đạt 43,9% và có 117 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đạt 70%...
Cùng với đó, các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất phát triển mạnh, đã có 81/157 xã đạt tiêu chí thu nhập, đạt 51%; 75/157 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, đạt 47,77%; 146/157 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, đạt 92%; 106/157 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất, đạt 67%.
Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, Yên Bái luôn xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Do vậy, tỉnh triển khai thực hiện được nhiều mô hình có hiệu quả cao, điển hình như mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng tre măng Bát độ... Những mô hình có hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương tiếp tục được duy trì và nhân rộng.
Đặc biệt, sau khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông, lâm nghiệp Yên Bái phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch. Năm 2018, lần đầu tiên Yên Bái đạt tổng sản lượng lương thực trên 307.405 tấn, tăng 1.309 tấn so với năm 2017, vượt 2,47% kế hoạch năm 2018.
Từ một địa phương gần như không có vùng sản xuất hàng hóa nào thì nay đã hình thành và phát triển được vùng quế trên 70.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 4.000 ha, vùng chè 8.000 ha, vùng cây ăn quả gần 7.800 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha...
Hàng hóa nông sản như: cam, quýt Văn Chấn, tinh bột sắn, quế Văn Yên, Trấn Yên, bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, huyện Yên Bình… đã được tiêu thụ khắp các tỉnh trong cả nước và đã có mặt trên các sạp hàng của các siêu thị.
Sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng cao, an ninh lương thực được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo các năm đều giảm vượt mức kế hoạch đề ra; công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn được chú trọng; các hình thức sản xuất được quan tâm và phát triển mạnh mẽ; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt khoảng 29,88 triệu đồng (tăng 19,03 triệu đồng so với năm 2010).
Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) là 17,68%. Theo kế hoạch năm 2019 giảm 5,8%; như vậy, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) năm 2019 sẽ đạt dưới 11,88%.
Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái phấn đấu năm 2020 công nhận 10 xã trở lên đạt chuẩn NTM (đến hết năm 2019 là 68 xã đạt chuẩn NTM), lũy kế toàn tỉnh tính đến năm 2020 có 80 xã/157 xã đạt chuẩn NTM, đạt 50,09% số xã đạt chuẩn NTM và có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; phấn đấu đến cuối năm 2019 có thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; đầu quý I năm 2020 có 1 huyện (huyện Trấn Yên) đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm có từ 10 xã trở lên đạt chuẩn NTM, trong đó, 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mỗi huyện có tối thiểu 1 xã đạt chuẩn NTM.
Lũy kế đến hết 2025 có 130 xã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến hết năm 2025, có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Yên Bình và huyện Văn Yên), lũy kế đến hết 2025 có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Đến hết năm 2025, có 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 10 xã hoàn thành xã NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí; bình quân tiêu chí là 17,2 tiêu chí/xã; 50% số thôn, bản đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm 4%/năm; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... tiếp tục được quan tâm đầu tư.
Các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển tạo sự chuyển biến cơ bản trong nếp sống văn hóa ở các xã, thôn, bản. Giai đoạn 2025 - 2030, tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm khu vực nông nghiệp; tạo ra nhiều việc làm mới, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, năm 2030 thu nhập bình quân đầu người gấp 1,4 lần so với năm 2025; số xã đạt tiêu chí NTM là 155 xã…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng gắn với XDNTM (trong đó, ưu tiên phát triển các thế mạnh của vùng về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp…).
Phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước đưa tỉnh Yên Bái thành một trong những tỉnh trọng điểm trong khu vực miền núi phía Bắc về sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc; bảo vệ tài nguyên rừng bền vững…; tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách mới để thu hút, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp nói chung, chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững.
Thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với XDNTM, xem đây là định hướng trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; chú ý thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi cung ứng bên cạnh việc nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh.
Thanh Phúc