YênBái - Có diện tích đất đồi lớn, nhưng trước đây xã An Bình, huyện Văn Yên chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, sắn, quế và vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh đất đai. Gần đây, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, An Bình tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư trồng tre măng Bát độ.
|
Nông dân xã An Bình sơ chế măng tre Bát độ.
|
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực tế chứng minh, tre măng Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều nơi. Đối với An Bình, điều kiện đất đai, khí hậu rất phù hợp để trồng cây này, nên xã đã có định hướng cụ thể theo kế hoạch của huyện.
"Xã tạo kiện cho nông dân được tham quan, học hỏi mô hình trồng tre măng Bát độ ở một số nơi trong tỉnh; tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện phối hợp tổ chức nhằm nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch tre măng Bát độ” - ông Dương nói.
Hiện tại, An Bình có 120 ha tre măng Bát độ, trong đó, hơn 60 ha đã cho thu hoạch và chủ yếu được trồng ở các thôn: Khe Trang, Trung Tâm, Khe Rồng… Đây là những thôn tương đối khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, người dân sống dựa vào kinh tế đồi rừng nên việc đầu tư phát triển tre măng Bát Độ giúp bà con cải thiện đời sống rõ nét.
Gia đình anh Huỳnh Cao Đại ở thôn Trung Tâm có 8 ha tre măng Bát độ, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng từ bán măng cho hay: "Tre măng Bát độ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, chỉ trồng một lần được khai thác nhiều năm. Năng suất trung bình mỗi ha 20 - 25 tấn; nếu chịu khó chăm sóc, bón phân thì năng suất có thể đạt từ 50 - 70 tấn/ha. Ngoài thu lợi từ măng, lá và thân cây cũng được tận thu để bán cho nhà máy giấy…”.
Được biết, các hộ trồng tre măng Bát độ ở An Bình khá yên tâm phát triển loại cây này, vì đầu ra của sản phẩm măng hiện được một số công ty, doanh nghiệp tới tận nơi thu mua với mức giá ổn định, hợp lý và hướng tới ký kết bao tiêu sản phẩm khi đảm bảo đủ số lượng.
Ưu thế của tre măng Bát độ so với các loại cây lâm nghiệp khác như: keo, mỡ, bạch đàn… là hàng năm đều cho thu nhập mà không phải đợi từ 5 - 7 năm; do đó, đã tạo động lực cho các hộ dân tích cực trồng, chăm sóc.
Mùa thu hoạch măng Bát độ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10, với giá măng vỏ trung bình 1.500 đồng/kg, măng ống đã luộc giá bình quân 5.000 - 7.000 đồng/kg, măng củ 10.000 đồng/kg. Ước tính trung bình mỗi năm, nông dân An Bình có thể thu về từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng khi diện tích tre măng hiện tại cho thu hoạch 100% với điều kiện chăm sóc tốt như hiện nay.
Cùng với giá trị hàng hóa, tre măng Bát độ còn là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn đất bảo vệ môi trường canh tác.
Hồng Oanh
Tags
An Bình
lâm nghiệp
sắn
quế
Bát độ