Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo (số 402 ngày 22/11/2019) Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/7/2019 tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ngày 13/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam năm 2017 (Quyết định 11). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, cũng như đại diện các bộ, ngành cơ quan như Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Theo kết luận, việc ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước thuộc nhiều thành phần kinh tế và nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Báo cáo Bộ Công Thương và EVN cho thấy, việc đầu tư các dự án điện mặt trời đi vào thực chất, quy mô các nhà máy hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại là rất lớn (khoảng 4.500 MW) với tiến độ đầu tư xây dựng nhanh, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt người dân. Việc bổ sung nguồn điện tái tạo cũng bổ sung kịp thời nguồn điện mới cho hệ thống điện quốc gia, trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn đang triển khai bị chậm tiến độ, nhất là các nhà máy nhiệt điện than quy mô lớn.
Kết luận cũng chỉ rõ, việc phát triển nguồn điện mặt trời thời gian qua còn những tồn tại, bất cập, hạn chế. Cụ thể, quy mô công suất nguồn điện mặt trời bổ sung rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia còn chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời. Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác, công tác dự báo còn yếu kém.
Đồng thời, chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào phát triển điện mặt trời nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây rất khó khăn trong truyền tải điện, giải toả công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư. Việc quản lý đầu tư chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ, đồng bộ.
"Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tinh thần công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong thời gian tới”.
Văn bản Kết luận cũng chỉ rõ, Chính phủ tiếp tục quan tâm phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời có tiềm năng khá lớn ở nước ta. Tuy nhiên, cần phải tính toán cơ cấu các loại nguồn điện một cách khoa học và bài bản; phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin - cho, tập trung xử lý các dự án đã và sắp hoàn thành nhưng không kịp đưa vào vận hành trước ngày 1/7/2019 để tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Việc ban hành giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 tiếp theo Quyết định số 11/2017 của Thủ tướng cần tuân thủ một số nguyên tắc, đó là: Tập trung cho những nơi có tiềm năng và lợi thế, có điều kiện phát triển tốt để đảm bảo hiệu quả chung ủa nền kinh tế. Ưu tiên khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời trên mái nhà với ưu điểm không yêu cầu diện tích chiếm đất và đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối; phát triển điện mặt trời phải cân nhắc tính toán dài hạn nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược, đảm bảo quy mô phát triển hợp lý từng thời kỳ gắn với bảo vệ môi trường.
Phát triển điện mặt trời phải tuân thủ quy hoạch và đảm bảo cân bằng hệ thống điện, tránh phát triển ồ ạt gay tác động lớn đến giá thành sản xuất điện toàn hệ thống điện, đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Tuyệt đối chống tham nhũng lợi ích nhóm trong quản lý phát triển, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin cho, các dự án đầu tư tuyệt đối không được sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiềm ẩn những rủi ro môi trường.
Không hồi tố quy định về giá điện đối với các dự án điện mặt trời đã được áp dụng biểu giá FIT theo Quyết định 11, tạo điều kiện phát triển hợp lý và đảm bảo lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với dự án mới sẽ chuyển hẳn sang đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời.
Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thực hiện việc rà soát, thống nhất biểu giá FIT áp dụng với điện mặt trời trên mái nhà, thống nhất biểu giá FIT chỉ áp dụng với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng, đưa vào vận hành trong năm 2020. Thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng để xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và dự án mới.
Nghiên cứu xử lý triệt để những vướng mắc về giải toả công suất các nhà máy điện mặt trời đang hoạt động, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng lưới điện để truyền tải hết công suất các nhà máy điện mặt trời đang vận hành thương mại theo quy định, không để xảy ra tình trạng giảm phát tại các nhà máy điện làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đối với nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện hiện nay.
Thông báo cũng chỉ rõ việc tích cực xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án nhiệt điện hiện đang chậm tiến độ để sớm đưa vào hoạt động, kịp thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền. Nghiên cứu cơ chế đầu tư lưới truyền tải theo hướng thí điểm các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư để đảm bảo đồng bộ trong đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo và lưới điện, phát huy hiệu quả chung.
Khẩn trương lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đảm bảo cơ sở khoa học, cơ cấu nguồn điện hợp lý, khả năng truyền tải và thị trường điện cạnh tranh, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hợp lý, chắc chắn, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, văn bản yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh đùn đẩy trách nhiệm, nhất là với các dự án điện hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong thời gian tới.
(Theo VOV)