Nguyên nhân tăng mạnh là do sự thiếu hụt nguồn cung từ hậu quả của bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) và tốc độ tái đàn chậm. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đảm bảo nguồn cung từ nay đến tết Nguyên đán.
Giá tăng từng ngày
Từ đầu tháng 11 đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng cao, dao động từ 74.000 đồng - 76.000 đồng/kg và có thời điểm đã chạm mốc 78.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thái - một thương lái ở thành phố Yên Bái cho biết: "Giá cao là vậy mà cũng không có lợn để bắt. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn không bị dịch bệnh thì chủ yếu xuất ra ngoài tỉnh, còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ một phần thì tiêu hủy do dịch, phần thì không dám tái đàn nên rất khan hiếm”.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ cho biết: "Cuối tháng 10 đầu tháng 11, đơn vị xuất ra thị trường hơn 400 con với giá 61.000 đồng/kg. Hiện nay, khách đã gọi điện mua với giá 76.000 đồng/kg nhưng không có lợn bán vì lợn thương phẩm mới đạt trọng lượng 60 - 70kg/con chưa đáp ứng trọng lượng xuất chuồng. Dự kiến hơn một tháng nữa xuất ra thị trường khoảng 300 con lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung tăng năng suất lợn nái đáp ứng con giống để phục vụ nhu cầu tái đàn của người dân”.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng, kéo theo giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ tăng mạnh. Hiện, giá thịt lợn dao động từ 130.000 đồng đến 160.000 đồng/kg tùy loại. Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, giá lợn tăng cao là một trong những tác nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Trong đó, tháng 10, chỉ số CPI trên địa bàn tăng 1,17% so với tháng 9, tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi về sự tăng giá đột biến này, ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: tính đến ngày 13/11, toàn tỉnh có 5.064 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi BDTLCP với tổng số lợn tiêu hủy 27.284 con, tương đương với trọng lượng 1.230,591 tấn lợn.
Mặc dù tỉnh Yên Bái có số lợn tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 5,7% tổng đàn (thấp nhất so với 12 tỉnh khu vực phía Bắc) song nguồn cung khan hiếm chủ yếu là những hộ chăn nuôi đã xuất bán do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không tái đàn dẫn đến cung - cầu mất cân đối.
Bên cạnh đó, các thương lái trước đây chủ yếu mua lợn của người dân, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tiếp cận được với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nên giờ phải mua lợn trong các hộ dân giá cao.
Không lo thiếu thịt
Đề cập đến giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn, ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y cho biết: để bù đắp thiếu hụt về sản lượng giá trị chăn nuôi lợn do BDTLCP Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bên cạnh chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống BDTLCP còn khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ và thủy sản để bù đắp thiếu thịt. Đến nay, chỉ tính riêng chăn nuôi gia cầm đã tăng thêm 250.000 con.
Ngoài ra, các huyện cũng vỗ béo đàn bò trên 10.000 con, tăng thêm 206 tấn thủy sản... do đó, sẽ không lo thiếu thực phẩm cuối năm. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo các địa phương thống kê lại đàn lợn hiện có để có phương án chỉ đạo.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù giá lợn lên cao nhưng không đến nỗi quá khan hiếm, bởi hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 13 trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn hàng hóa tập trung quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 lợn thịt trở lên và 308 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 5 con lợn nái và trên 50 con lợn thịt vẫn an toàn dịch bệnh với đầu đàn hiện có gần 80.000 con, chiếm gần 20% đàn lợn toàn tỉnh.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi Thú y, tính riêng tháng 10, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn đóng trên địa bàn đã xuất ra ngoài tỉnh trên 11.916 con lợn, trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Một thành viên chăn nuôi Hòa Yên xuất 2.522 con, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP xuất 5.006 con, Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin Việt Nam 1.862 con lợn, Công ty TNHH Đầm Mỏ 462 con... Nếu lượng lợn này các doanh nghiệp không xuất ra ngoài mà cung cấp thị trường tại chỗ vẫn đảm bảo nguồn cung.
Được biết, để tăng nguồn cung, các doanh nghiệp đang có phương án tăng năng suất lợn nái; đẩy mạnh tái đàn cùng với thực hiện bằng được "an ninh sinh học” để giữ đàn; kéo dài thời gian nuôi lợn thịt, giúp tăng năng suất, sản lượng thịt.
Về giải pháp tái đàn, ông Đàm Duy Đức cho biết thêm, hiện BDTLCP trên địa bàn đã có chiều hướng "hạ nhiệt”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 47 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh và đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, ngành chỉ khuyến khích tái đàn, thậm chí tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh, các hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.
Đồng thời, tại các xã đang có dịch; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học thì tuyệt đối không tái đàn mà khuyến khích người dân chuyển dần sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác bởi nguy cơ BDTLCP bùng phát trở lại là rất lớn.
Văn Thông