Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là xu hướng, mục tiêu cũng là chủ trương, định hướng xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể hóa Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, trong đó, có chủ trương quan trọng là: "Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm”. Nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế được tỉnh Yên Bái vận dụng thực hiện linh hoạt, hiệu quả, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kinh tế của tỉnh chuyển biến tích cực, tạo đà tăng trưởng khá.
Nhận thức quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế - xã hội và môi trường, tỉnh Yên Bái bắt tay thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp - ngành chủ lực của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đồng thời cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp.
Xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Tỉnh xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Từ đây, nhìn lại thực tiễn phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhận diện rõ hơn những lợi thế so sánh của địa phương cũng như những khó khăn, thách thức cần vượt lên để định hướng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Yên Bái theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xác định sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung đầu tư về khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng, tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần XDNTM và phát triển nền nông nghiệp toàn diện.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 được ví như làn gió mát, mang đến nguồn sinh khí mới cho nông nghiệp, nông thôn Yên Bái. Các mô hình, chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục được triển khai đúng hướng. Các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực được tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tăng lên đáng kể cả về diện tích và quy mô.
Sản xuất nông, lâm sản có giá trị hàng hóa cao được mở rộng, nhiều mô hình sản xuất trang trại, gia trại, hộ trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng quy trình kỹ thuật mới, giống mới trong sản xuất. Đã phát triển một số vùng cây trồng sản xuất tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (vùng lúa, vùng ngô, đậu tương, lạc, cho ăn toàn sắn cao sản...) cho năng suất, chất lượng sản phẩm khá cao.
Ở nhiều địa phương đã thực hiện xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp như: bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam Văn Chấn; cam Lục Yên...; tổ chức triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018 - 2020, trong đó, đã hình thành và phát triển 10 chuỗi giá trị; ban hành và triển khai thực hiện đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đã thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, hình thành một số hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên...
Việc phát triển các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn được đặc biệt quan tâm, trong đó, tập trung phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn. Phát triển kinh tế hộ trên cơ sở thay đổi phương thức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Ví như việc thực hiện và áp dụng chương trình VietGAP, chương trình UTZ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất rau an toàn, chè, cây ăn quả... Xây dựng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư để phát triển trang trại, đặc biệt là việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đạt được những tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định hiện hành.
Tính đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo của Đảng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM được khẳng định qua thực tiễn ở Yên Bái. NTM đã xây diện mạo mới cho nông thôn miền núi Yên Bái, tạo bước chuyển về chất trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh có 22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn lên 68 xã, bằng 43,3% tổng số xã toàn tỉnh, bằng 2,7 lần mục tiêu đến 2020 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; trong đó, huyện Trấn Yên đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM.
Tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến
Tháng 12/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sản xuất công nghiệp phát triển đúng định hướng, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Phát triển công nghiệp trên cơ sở vừa phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế, vừa coi trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
Ưu tiên, tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng nhiều lao động, chế biến sâu, chế biến tinh, các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước với mục tiêu giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng hoạt động chế biến sâu áp dụng công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, thực hiện rà soát các mỏ đã được cấp phép; xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ, không tuân thủ Luật Đầu tư; giảm dần việc cấp phép đầu tư cho các dự án khai thác, tiêu thụ sản phẩm thô; khuyến khích và ưu tiên các dự án đầu tư khai thác chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản. Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2019 đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 46,34% so với năm 2016, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 12,75%. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm xuống còn 7% năm 2019; tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng từ 80,5% năm 2016 lên 82,5% năm 2019.
Tỉnh cũng xác định công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm là một trong những lĩnh vực sản xuất chủ lực trong phát triển công nghiệp của địa phương, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Một số sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền thiết bị công nghệ khá hiện đại, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường như: chế biến chè xanh, đen; chế biến gỗ rừng trồng (gỗ xẻ thanh, ván ép, gỗ ghép thanh); chế biến tinh bột sắn; chế biến tinh dầu quế; chế biến măng... Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm nông lâm sản thực phẩm chế biến vẫn ở dạng thô, sơ chế, chất lượng, giá trị gia tăng và giá bán thấp. Tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi để tăng cường sự gắn kết hoạt động của doanh nghiệp với nông dân...
Tín hiệu vui từ cơ cấu lại các ngành kinh tế chủ lực, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, trong đó, dịch vụ tăng nhanh.
Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 23,13% năm 2015 xuống còn 21,42% năm 2019; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 25,53% năm 2015 lên 26,64% năm 2019; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 46,38% năm 2015 lên 47,15% năm 2019. Năm 2020, tỉnh dự kiến mục tiêu tỷ trọng các ngành kinh tế trong GRDP: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13%; công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88%; dịch vụ chiếm 47,21%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,78%, góp phần quan trọng duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá của tỉnh.
Minh Thúy
Bài 2: Động lực cho tăng trưởng