Xác định phát triển sản xuất công nghiệp (SXCN) là trọng tâm trong phát triển kinh tế, là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, huyện Trấn Yên đã khuyến khích, quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển SXCN có sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng nhiều lao động, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường vào địa bàn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020 huyện đã thu hút được 18 dự án công nghiệp đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Một số dự án đầu tư SXCN đã hoàn thành đi vào hoạt động tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao như Graphit, sản phẩm thép hộp, thép ống, quặng cầu viên... làm gia tăng thêm giá trị sản xuất ngành công nghiệp địa phương.
Với đặc thù miền núi còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ là những rào cản khiến sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) ở Trấn Yên khó bứt phá. Tuy nhiên, phát huy những lợi thế từ nguồn nguyên liệu lâm sản sẵn có tại địa phương, huyện đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở theo hướng đồng bộ.
Bên cạnh đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh trật tự để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, những năm gần đây, các doanh nghiệp đến đầu tư tại huyện Trấn Yên ngày một tăng.
Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, địa phương đã thành lập mới 161 cơ sở SXCN, trong đó, có 29 doanh nghiệp, 129 hộ cá thể và 3 hợp tác xã, nâng tổng số các cơ sở SXCN toàn huyện lên 452 cơ sở, trong đó, có 95 doanh nghiệp; 9 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 348 hộ cá thể có đăng ký kinh doanh, thu hút và tạo việc làm cho trên 2.500 lao động.
Ông Phan Tiến Thắng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trấn Yên cho biết: "Giá trị SXCN (giá so sánh 2010) năm 2019 trên địa bàn huyện ước đạt 826,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, bằng 100,2% kế hoạch; trong đó, công nghiệp địa phương ước đạt 746,8 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch; công nghiệp tỉnh và trung ương ước đạt 1,1 tỷ đồng, tăng 100% so với kế hoạch; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 78,6 tỷ đồng, bằng 87,8% kế hoạch.
Giá trị SXCN theo giá hiện hành ước đạt 1.331 tỷ đồng, trong đó, công nghiệp địa phương ước đạt 1.181 tỷ đồng; công nghiệp tỉnh và trung ương ước đạt 2,05 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 147,6 tỷ đồng.
Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất cao: chè chế biến ước 4.476 tấn; tinh dầu quế 30 tấn; quặng sắt các loại 74.119 tấn; quặng cầu viên 115.765 tấn; quặng graphit 5.429 tấn, gạch xây các loại 11,4 triệu viên, gỗ xẻ 2.354 m3; ván ghép thanh 2.125 m3; gỗ ván ép 13.200 m3; gõ ván bóc 46.520 m3...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phát triển CN - TTCN và thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Trấn Yên mới đạt kết quả bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CN - TTCN chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các ngành nghề CN - TTCN hầu hết hình thành ở quy mô nhỏ, hộ gia đình nên hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa mang lại giá trị kinh tế cao; tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Nhằm phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; khai thác các nguồn lực tại chỗ, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển CN - TTCN, tạo việc làm cho người lao động, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao...
Quang Thiều