Gia đình anh Hờ A Chơ ở bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha đã hoàn thành công đoạn làm chuồng trại trước khi mùa rét về. Anh cũng đã trồng 600 m2 cỏ làm thức ăn xanh và dự trữ được khoảng 8 tạ rơm, rạ, đủ nguồn thức ăn cho 3 con trâu qua mùa rét năm nay.
Anh Chơ chia sẻ: "Tôi biết phải dựng chuồng để chống rét cho gia súc, song mấy năm trước, do nhà ít đất nên không dựng được. Năm nay, tôi đã mượn đất của người anh em cách nhà không quá xa, vẫn tiện để thường xuyên chăm sóc. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục đào hố phân, rãnh thoát nước xung quanh chuồng để thực hiện đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, đảm bảo cho đàn trâu sống tốt dù thời tiết vùng cao khắc nghiệt”.
Không chỉ riêng anh Chơ, 40/54 hộ chưa có chuồng trại ở xã Chế Cu Nha cũng đã dựng xong chuồng trại kiên cố trước mùa rét; 100% hộ đã dự trữ rơm, rạ, trung bình từ 5 tạ trở lên/hộ. Các kỹ thuật phòng, chống đói rét cho trâu, bò từ khâu chuẩn bị chuồng trại, thức ăn, vật liệu chống rét đến theo dõi thời tiết, các biện pháp thực hiện chi tiết, cụ thể đều đã được phổ biến rộng rãi, tạo thói quen cho nhân dân.
Năm 2019, tổng đàn gia súc chính của huyện Mù Cang Chải ước đạt 69.740 con, trong đó: trâu 14.479 con, bò 7.107 con, lợn 48.154 con. Để chủ động phòng chống đói, rét và bảo vệ đàn vật nuôi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi gây ra, ngay từ đầu mùa rét, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc. Các xã, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể với phương châm "phòng là chính, người dân, cơ sở là chính”.
Trước khi bước vào mùa rét, 100% các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ chăn nuôi chưa có chuồng nuôi, những hộ có chuồng nuôi nhưng chưa đảm bảo trú, tránh rét cho gia súc; từ đó, cấp ủy, chính quyền xã sẽ theo dõi, giúp đỡ từng hộ để đôn đốc, giám sát việc làm mới và tu sửa chuồng nuôi. Tiêu chí này cũng được giao cụ thể cho các xã từ đầu năm. Năm 2019, toàn huyện còn 700 hộ chăn nuôi chưa có chuồng trại. Bằng cách vận động nhân dân tự làm, huyện phấn đấu 100% hộ chăn nuôi có chuồng trại trong năm nay.
Việc dự trữ thức ăn cũng được hoàn thành với trên 7.000 cây rơm. Ngoài ra, huyện vận động nhân dân tận dụng diện tích đất trống, khe suối, đất nương rẫy bỏ hoang để trồng cỏ; đồng thời, chăm sóc tốt diện tích cỏ hiện có để tạo nguồn thức ăn xanh và dự trữ thức ăn trong những ngày giá rét với trên 400 ha cỏ được trồng mới.
Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là trâu, bò đã đến với từng người chăn nuôi.
Ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: khoảng 5 năm trở lại đây, ý thức của nhân dân trong việc phòng chống đói, rét cho gia súc được cải thiện đáng kể. Họ đã hình thành thói quen, chủ động chuồng trại, nguồn thức ăn. Khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, nhân dân đã không còn sử dụng trâu, bò cày kéo; cơ bản không chăn thả trâu bò ngoài đồng bãi; đưa trâu, bò về chuồng nuôi nhốt để áp dụng những biện pháp chống đói, rét. Nhờ đó, năm 2018 không xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết do đói, rét. Tuy nhiên, tình trạng thả rông vẫn còn tồn tại ở một số xã nằm bên đường quốc lộ 32. Năm nay, huyện sẽ tăng cường chỉ đạo vận động nhân dân chấn chỉnh tình trạng trên.
Bên cạnh tuyên truyền, vận động, việc nêu cao trách nhiệm người đứng đầu khi chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng gia súc chết đói, rét trên địa bàn do nguyên nhân chủ quan và do chỉ đạo chưa quyết liệt, đã góp phần thay đổi tư duy, hành động của nhân dân trong việc phòng, chống đói, rét - việc mà trước đây chưa được quan tâm đúng mức.
Hoài Anh