Thực hiện Đề án, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã đã xây dựng và thực hiện mô hình trồng cây cà chua ghép trên gốc cà tím trong vụ đông 2019-2020 tại phường Cầu Thia và phường Tân An, nhằm khắc phục tình trạng nhiễm bệnh héo xanh trên cây cà chua, đồng thời tạo vùng sản xuất rau an toàn, ổn định góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Cà chua ghép trên gốc ghép cà tím là tiến bộ kỹ thuật được Trung tâm phát triển châu Á chuyển giao cho Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam từ năm 1998, đến nay đã mở rộng ở nhiều vùng trên cả nước. Phương pháp lấy ngọn cà chua ghép với gốc cà tím đã tận dụng được ưu thế bộ rễ khỏe, chịu úng, chịu hạn tốt, có khả năng kháng các bệnh do tuyến trùng, bệnh héo xanh vi khuẩn, xoăn lá vi rút tốt của cây cà tím.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho biết: "Hàng năm, Nghĩa Lộ trồng khoảng 6 -7 ha cây cà chua. Các loại giống sử dụng chủ yếu là cà chua lai F1 như: cà chua Pháp, cà chua Ấn Độ, Tre Việt…
Tuy là loại cây trồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhưng việc tuân thủ các quy trình trồng, chăm sóc và bảo vệ thực vật chưa đảm bảo, mặt khác cây cà chua khá mẫn cảm với các loại sâu bệnh nên trong những năm gần đây diện tích nhiễm sâu bệnh trên cây cà chua gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả kinh tế của các hộ dân”.
Theo đánh giá của Trung tâm, cây cà chua ghép trên gốc cà tím cho thấy thời gian từ phân cành, ra hoa đậu quả đến thu hoạch lứa đầu tương đương với các diện tích trồng cà chua thường trồng đại trà. Trong đó, cà chua ghép có khả năng chống chịu các loại sâu, bệnh tốt hơn, có khả năng chịu úng, chịu hạn tốt thích hợp để trồng vụ sớm và trái vụ, cho năng suất cao, ổn định hơn.
Được biết, vụ đông xuân 2019 - 2020 trên các giống cà chua thường (giống cà chua Pháp, Ấn độ, Tre Việt..) được trồng đại trà tại phường Cầu Thia, Tân An và xã Nghĩa An bị nhiễm bệnh héo xanh vi khuẩn ở mức độ rất nặng, nhiều diện tích không cho thu hoạch từ 70-100%.
Thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, giai đoạn 2016 - 2020”, phường Trung Tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông - lâm thủy sản TND trồng thử nghiệm 1 ha cây cỏ ngọt phục vụ chăn nuôi.
Đây là đề tài khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ tài trợ nên các hộ tham gia trồng thử nghiệm cây cỏ ngọt được cung ứng 100% giống, hỗ trợ 50% phân bón, 30% bạt che. Quá trình trồng, có sự hướng dẫn, giám sát của Công ty, đến kỳ thu hoạch, Công ty nhận thu mua 100% sản phẩm.
Được biết, cây cỏ ngọt có ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc và không kén đất (phù hợp trên đất trồng màu, vùng đất pha cát, đất thịt nhẹ); cây chỉ cần trồng 1 lần vào đầu năm là có thể cho thu hoạch trong cả năm với 5 - 6 lứa, tập trung thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 11. Thời vụ trồng thích hợp nhất là vụ thu đông và vụ xuân hè. Cỏ ngọt rất dễ sống, xuống giống xong chỉ 3 tháng sau đã có thể thu hoạch được lứa đầu tiên. Khi thu hoạch chỉ cần cắt sát gốc, cắt cỏ thành khúc dài 3 - 5cm rồi phơi khô để bán. Sau khi thu hoạch, cần tưới nước, bón phân và sau 45 - 50 ngày cây lại đạt đủ độ cao để thu hoạch lứa tiếp. Hiện, phường Trung Tâm đã cho các hộ đăng ký làm đất, nhận giống và trồng tại ruộng được hơn 1.500 m2. Tại Pú Trạng, UBND phường đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án với quyết tâm cao, trong đó đã tiến hành khảo sát địa hình, địa điểm sản xuất rau màu tập trung tại tổ dân phố 3 và bản Ngoa với tổng diện tích 6.000m2; chuyển đổi 1,7 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại tổ dân phố bản Noỏng và tổ dân phố 3 sang đào ao nuôi cá.
Bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, các sản phẩm rau màu, cá đến kỳ thu hoạch đều đạt năng suất, chất lượng cao. UBND phường đã chủ động mời gọi và giới thiệu các mặt hàng rau, củ, quả sạch, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đến các nhà hàng, trường học trên địa bàn để tìm đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Được biết, từ năm 2016 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp nằm trong Đề án.
Năm 2017, nhiều xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu an toàn để nâng cao sản lượng, chất lượng và giá thành cho người nông dân như: cà chua, dưa lê, dưa hấu, ớt, các loại rau… Ngoài ra, thị xã chú trọng hình thành các mô hình sản xuất tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân như mô hình sản xuất cánh đồng lúa một giống tại phường Pú Trạng và Phường Tân An; mô hình sản xuất ớt Gold 888 tại phường Tân An...
Năm 2019, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông - lâm, thủy sản theo hướng toàn diện, sản xuất hàng hoá, duy trì vùng sản xuất lúa hàng hoá đạt 500 ha; sử dụng giống năng suất, chất lượng cao, nghiên cứu vùng sản xuất lúa giống, thử nghiệm mô hình một số cánh đồng gieo cấy cùng trà, cùng giống; phấn đấu đưa diện tích đất 2 vụ lúa vào sản xuất vụ 3 đạt 85% trở lên.
Qua đó, tạo một số sản phẩm phục vụ du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường, thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đến đầu tư trên địa bàn, phát triển các hình thức chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp đến bao tiêu sản phẩm, nâng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác lên 150 triệu đồng/năm.
Anh Dũng