Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng thịt lợn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/12/2019 | 3:13:42 PM

Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trong đó trọng tâm là tình hình nguồn cung thịt lợn.

Người tiêu dùng mua thịt lợn đông lạnh tại siêu thị Co.opmart Hà Đông.
Người tiêu dùng mua thịt lợn đông lạnh tại siêu thị Co.opmart Hà Đông.

Trước đó, ngày 17-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn, bình ổn giá cuối năm. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong chậm báo cáo, thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dự báo hầu hết đối tượng vật nuôi trong năm 2019 phát triển tốt. Riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi, làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018.

Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh còn khoảng 25 triệu con, trong đó, đàn nái 2,7 triệu con; đàn lợn giống nguồn còn 109 nghìn con, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Tập đoàn Masan… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh…) nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Về dự trữ mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu dịp cuối năm, bao gồm thực phẩm của các địa phương trọng điểm: Hà Nội (đã bố trí nguồn kinh phí 31.200 tỷ đồng) và thành phố Hồ Chí Minh (đã bố trí nguồn kinh phí 102.891 tỷ đồng) đang triển khai kế hoạch dự trữ thực phẩm phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng có dự trữ thực phẩm, như tỉnh Bắc Giang đã tổ chức dự trữ 20.000 tấn thịt lợn; tỉnh Phú Thọ ước tính sản lượng thịt lợn đạt 10.000 tấn (từ nay đến Tết Nguyên đán)...

Bộ NN&PTNT khẳng định đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Do đó, đã giảm thiệt hại ở mức thấp nhất có thể, lũy kế từ đầu tháng 2-2019 đến ngày 18-12-2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là hơn 5,9 triệu con, tổng trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Đặc biệt, dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6-2019 đến nay. Dự báo, hết tháng 12-2019, số lợn buộc tiêu hủy khoảng 50 nghìn con, giảm 67% so với tháng 11-2019 và giảm 96% so với tháng 5-2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).

Bộ NN&PTNT chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản với tổng sản lượng các loại thực phẩm tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018 - một phần bù đắp thiếu hụt thực phẩm do bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, nhiều địa phương chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả và đã có thịt lợn cung cấp cho thị trường.

Trong ngày 19-12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã có Công văn số 13/BCĐDTLCP gửi các tỉnh, thành phố về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn. Bộ NN&PTNT đã gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh Dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, có công văn gửi các doanh nghiệp chăn nuôi về việc tái đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra hàng hóa kinh doanh trên địa bàn.

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thực hiện quản lý việc sản xuất, kinh doanh tại địa bàn 47 xã, 2 thị trấn của huyện Văn Yên, Trấn Yên. Tại địa bàn 2 huyện, Đội đang quản lý có 2.701 cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó, 127 doanh nghiệp, 51 hợp tác xã và 2.523 hộ kinh doanh cố định và có 2 chợ đầu mối và 21 chợ phiên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững,” Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019 sẽ diễn ra vào sáng 23/12 tới với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) kiểm đếm số tang vật là hàng lậu.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Đoạn đường bê tông ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải được doanh nghiệp khai thác khoáng sản đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 4 giấy phép thăm dò khoáng sản; 5 giấy phép cấp cho 5 doanh nghiệp khai thác quặng sắt, chì, kẽm, tổng diện tích theo giấy phép khai thác là 106,64 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục