Theo nhận định, nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ tăng mạnh vào thời điểm sau ngày 23/12/2019 (Âm lịch) và dự kiến nhu cầu hàng hóa trong tháng tết Nguyên đán tăng 5 - 10% so với các tháng trong năm. Qua nắm bắt thực tế và báo cáo của 17 doanh nghiệp chủ đạo, giá trị lượng hàng hóa ước tính khoảng 85 tỷ đồng.
Để đảm bảo đủ nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, giá hàng hóa ổn định, thực hiện Chỉ thị 12 của Bộ Công Thương về việc bảo đảm cân đối hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm và dịp tết Nguyên đán Canh Tý, Sở Công Thương có văn bản phối hợp với các cơ quan liên quan và chỉ đạo các địa phương vận động các doanh nghiệp trên địa bàn bình ổn thị trường hàng hóa, kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tích trữ, găm hàng, đầu cơ giá.
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: đơn vị đã chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, dịch vụ, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu để có biện pháp cụ thể bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán.
Cùng đó, đơn vị cũng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức Hội nghị "Kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Yên Bái năm 2019” nhằm giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản của tỉnh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
Đồng thời, kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cầu thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ tết; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các phiên chợ đưa hàng về nông thôn, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi với nhiều mặt hàng, đa dạng về chủng loại, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo...
Hiện tại, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ, chợ đầu mối đã đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Phạm Duy Hiển - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiển cho biết: "Ngay từ đầu tháng 11, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, cân đối nhu cầu thị trường để chuẩn bị các loại hàng thiết yếu như bánh kẹo, bia rượu, thuốc lá... để phục vụ nhu cầu cuối năm đảm bảo không để khan hiếm nguồn hàng".
Không chỉ các của hàng tiện lợi mà hầu hết tại các cơ sở bán lẻ, chợ đầu mối, các chủ cửa hàng cũng đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng từ cách đây cả tháng.
Bà Nguyễn Thị Huệ - chủ một cơ sở bán lẻ tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình cho biết: "Ngoài những mặt hàng như: bánh kẹo, đồ khô, tôi còn có một shop nhỏ quần áo, giày dép và một số đồ gia dụng khác. Bởi vậy, ngay từ tháng 11 dương lịch hàng năm, tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị các loại hàng thiết yếu để phục vụ nhân dân mua sắm dịp cuối năm, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân".
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, dự báo thịt lợn là mặt hàng "nóng" nhất trong các loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân. Hiện, ngành công thương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có phương án dự trù và bảo đảm đủ nguồn thịt cho dịp cuối năm. Nếu khi thị trường có xảy ra biến động về giá, nhu cầu, phương án tăng sản lượng thực phẩm khác (bò, gà, hải sản...) để thay thế thịt lợn cũng đã được tính đến đảm bảo không để xáo trộn thị trường.
Để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hội chợ, triển lãm để đa dạng nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.
Phối hợp về thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận với điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa; cam kết đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu; thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; đặc biệt, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Thanh Tân