Mô hình chăn nuôi bò của hội viên Nguyễn Thị Huệ thôn bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng 1 mô hình vỗ béo bò thịt với 2 điểm trình diễn tại 2 xã: Cát Thịnh, Đại Lịch của huyện Văn Chấn, tổng quy mô 205 con, 70 hộ tham gia. Văn Chấn được lựa chọn thực hiện mô hình bởi đây là địa phương có tổng đàn bò nhiều nhất trong toàn tỉnh với số lượng 6.700 con.
Các hộ tham gia mô hình phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định như: có bò đúng đối tượng để đưa vào vỗ béo; có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường, cách xa nhà ở, có khả năng đối ứng theo yêu cầu dự án; có khả năng tiếp thu và thực hiện quy trình của dự án; chưa nhận được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình; đảm bảo theo định mức kỹ thuật với quy mô hỗ trợ vật tư tối thiểu 1 con/hộ, tối đa 20 con/hộ.
Về vật tư hỗ trợ gồm thức ăn, thuốc tẩy nội ngoại ký sinh trùng đảm bảo đủ số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng quy định có hỗ trợ của Nhà nước và đối ứng của các nông hộ theo tỷ lệ 50 - 50. Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 2 lần cấp phát thức ăn cho hộ tham gia mô hình, tổng số lượng 27.675 kg thức ăn hỗn hợp cho bò vỗ béo và người dân đối ứng cám hỗn hợp vỗ béo bò thịt là 27.675 kg bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Trung tâm đã tổ chức cho toàn bộ 70 hộ tham gia mô hình tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, thuyết trình có hình ảnh minh họa, thảo luận nhóm, chú trọng thực hành cầm tay chỉ việc, kết hợp tham quan mô hình vỗ béo bò thịt; đã cấp 70 sổ ghi chép cho 70 hộ tham gia và hướng dẫn cụ thể về các nội dung ghi chép sổ sách để tổng hợp báo cáo cũng như giúp hộ chăn nuôi hạch toán kinh tế.
Kiểm tra, giám sát các hoạt động của mô hình là một yêu cầu quan trọng trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp kiểm tra 4 lượt. Qua đánh giá, các hộ đều thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật.
Đối với xã Đại Lịch còn 4/36 hộ, xã Cát Thịnh còn 5/34 hộ làm chưa đúng về máng ăn, uống và chuồng trại chưa sạch sẽ, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn thực hiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Bò đưa vào nuôi vỗ béo của mô hình được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng, được cho ăn thức ăn tinh kết hợp thức ăn xanh, chăm sóc hợp lý nên tăng trọng nhanh, bình quân đạt 726,5 g/con/ngày, vượt so với yêu cầu 26,5g/con/ngày (tương ứng 3,8%).
Kết quả trung bình sau 3 tháng, trừ các chi phí (chưa tính công lao động, chăm sóc…), mỗi con bò không áp dụng quy trình vỗ béo thu được 1,985 triệu đồng và mỗi con bò được áp dụng quy trình vỗ béo tại xã Đại Lịch thu được 2,470 triệu đồng, tại xã Cát Thịnh là 2,510 triệu đồng.
Như vậy, hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò áp dụng quy trình vỗ béo trung bình cả 2 xã tăng 12,9% so với chăn nuôi bò không áp dụng quy trình vỗ béo. Các hộ ứng dụng quy trình nuôi vỗ béo bò thịt có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường, cách xa nhà ở, chất thải được thu gom và xử lý theo quy định. Một số hộ sử dụng chất thải chăn nuôi làm hầm bi-ô-ga phục vụ đun nấu; các hộ khác thu gom, xử lý làm nguồn phân bón cho cây trồng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa thiết thực bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, qua mô hình, các hộ có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mô hình cũng đã giúp các hộ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh tạo hàng hóa, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Từ quy mô hỗ trợ ban đầu 205 con với 70 hộ tham gia, sau thời gian triển khai đến nay đã nhân rộng thêm 52 con với 22 hộ tham gia trên địa bàn 2 xã. Phù hợp với điều kiện chăn nuôi, tạo việc làm, tận dụng hết thời gian nhàn rỗi và nâng cao hiệu quả kinh tế, mô hình "Vỗ béo bò thịt trong nông hộ” còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường. Hiệu quả từ mô hình sẽ thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò thịt và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thơm