Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhờ đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (GRDP) bình quân hàng năm đạt trên 4,20%.
An ninh lương thực được giữ vững, gia tăng mạnh mẽ về quy mô diện tích các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Qua đó, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng 3.000 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 3.500 ha, vùng quế trên 68.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 3.600 ha, vùng sơn tra trên 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha...
Cùng đó, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tiếp tục triển khai đúng hướng, các chính sách hỗ trợ tiếp tục phát huy hiệu quả, được người dân ủng hộ; qua đó, tạo được chuyển biến tích cực trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; phương thức tổ chức sản xuất của người dân từng bước chuyển dần từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu thị trường; các sản phẩm chủ lực được mở rộng quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản, thủy sản còn bộc lộ những hạn chế: phát triển sản xuất mới chú trọng số lượng để hình thành vùng nguyên liệu, sản phẩm hàng hóa nhưng chất lượng, giá trị sản phẩm còn thấp; chưa có sự liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực có khối lượng lớn chủ yếu bán dưới dạng nguyên liệu, sản phẩm thô, không có tiêu chuẩn, nhãn mác nên giá trị thương mại thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Ông Lại Thế Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái cho biết: "Hiện nay, trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến nên chưa xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Cùng đó, các chính sách đầu tư hỗ trợ cho sản xuất mới chỉ chú trọng khâu sản xuất và hiện chưa có chính sách hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp”.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản cũng đã được quan tâm; một số doanh nghiệp đã đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, nhưng do sản phẩm chủ yếu là dạng thô, không có chứng nhận tiêu chuẩn; do đó, không đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối.
Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh phối hợp với các công ty truyền thông đã xây dựng một số chương trình giới thiệu sản phẩm trong chuyên mục "Nông sản sạch” nhưng chủ yếu là các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương.
Xuất phát từ thực tế đó, tỉnh xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021”. Việc xây dựng Đề án để thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến tiêu thụ nông - lâm sản áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, sản phẩm có chứng nhận, từ đó xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Yên Bái phấn đấu đến hết năm 2021, việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được áp dụng phổ biến trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; tổng số cơ sở, đơn vị được sản xuất và cấp tiêu chuẩn chứng nhận là 89 đơn vị, trong đó, 83 đơn vị đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP; 6 sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý; tổ chức và hỗ trợ các đơn vị sản xuất tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, sẽ hỗ trợ 75 đơn vị thực hiện các chương trình hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ 60 đơn vị xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và mua máy in tem sản phẩm; hỗ trợ 6 đơn vị xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm; hỗ trợ 81 lượt đơn vị tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chương trình hoạt động kết nối cung cầu.
Hồng Duyên