Bằng những bước đi phù hợp và có tính chiến lược, thời gian qua, tỉnh đã và đang phát huy lợi thế để bứt phá đi lên, tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm sớm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với những cách làm sáng tạo, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách nên hệ thống kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị của tỉnh có bước phát triển đáng kể ngoài các dự án giao thông lớn đang được triển khai như dự án cầu Bách Lẫm, đơn vị thi công đang tiếp tục thi công nền, mặt đường, hệ thống thoát nước tại các vị trí mới được bàn giao mặt bằng nút giao cuối tuyến với quốc lộ 32C mới và đã thông xe kỹ thuật đoạn từ Tân Thịnh đến cầu Bảo Lương vào sáng ngày 29/8/2019 theo đúng tiến độ.
Dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành 1 khu tái định cư, bàn giao trên 14,6 km mặt bằng cho nhà thầu thi công dự kiến hoàn thành phần mặt đường trước ngày 31/12/2019. Dự án đường Hoa Ban đi Nhà máy May thị xã Nghĩa Lộ (sân vận động Nghĩa Lộ), công trình cơ bản đã hoàn thành, chỉ có hạng mục bổ sung đang trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu lập dự án, điều chỉnh bổ sung.
Mới đây, vào ngày 22/12/2019 tỉnh đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Cổ Phúc với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành cầu, sẽ mở rộng không gian kết nối về phía hữu ngạn sông Hồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với các dự án phát triển giao thông, các dự án về chỉnh trang đô thị cũng được tỉnh quan tâm như dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng khu Di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930; trong đó, đã thi công hoàn thành hạng mục nhà thường trực, nhà tưởng niệm và nghi môn, bậc lên xuống, đường dẫn vào khu tưởng niệm, giá trị ước đạt 96% khối lượng.
Dự án chỉnh trị tổng thể khu vực ngòi Thia đã hoàn thành giai đoạn I, giai đoạn II (đợt I) ước khối lượng thực hiện đạt 95% giá trị hợp đồng. Dự án đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái giai đoạn I với tổng vốn đầu tư 381 tỷ đồng, giai đoạn II là 91 tỷ đồng; công trình xây dựng hệ thống đê, kè dọc sông Hồng kết hợp với đường giao thông khu vực xã Giới Phiên và xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái với tổng chiều dài khoảng 4,25 km. Các đơn vị liên quan đã, đang khẩn trương các hạng mục công trình theo tiến độ...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự ước tổng vốn đầu tư phát triển của khu vực Nhà nước năm 2019 của tỉnh đạt trên 4.500 tỷ đồng, bằng 95,5% kế hoạch năm 2019, tăng 32% so với năm 2018. Trong đó, vốn địa phương quản lý ước đạt 4.159 tỷ đồng chiếm 92,4%, bằng 94,7% kế hoạch năm 2019, tăng 35% so với năm 2018; vốn Trung ương quản lý ước đạt 340 tỷ đồng, bằng 106,6% kế hoạch năm 2019, tăng 4,4% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Minh Toàn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: kết quả đạt được trong đầu tư công là việc giải ngân các nguồn vốn đã có nhiều chuyển biến tích cực, được các đơn vị chủ đầu tư quan tâm thực hiện đảm bảo tiến độ theo cam kết và đáp ứng yêu cầu; đã duy trì được kết quả giải ngân của toàn tỉnh cao hơn so với mức giải ngân bình quân chung của cả nước; các công trình, dự án đã bám sát tiến độ được ký hợp đồng để tổ chức triển khai thực hiện; công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động trong quá trình thi công được đảm bảo; những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đã được tỉnh quan tâm, tháo gỡ tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện và giải ngân.
Việc cân đối, bố trí bổ sung các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục bão lũ, hỗ trợ xử lý khắc phục các hồ chứa được thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện của các công trình, dự án, đặc biệt là đối với các dự án công trình trọng điểm, các công trình khắc phục bão lũ.
Mặc dù đạt được nhiều mặt tích cực nêu trên, vẫn còn có một số đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt và có giải pháp hữu hiệu để cải thiện tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư được giao quản lý.
Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của các dự án. Tỷ lệ giải ngân có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc giải ngân chủ yếu là thực hiện tạm ứng vốn đầu tư.
Nguyên nhân là do năng lực của một số đơn vị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn còn hạn chế nên một số dự án phải điều chỉnh phương án thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế làm kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.
Cùng đó, nguồn nhân lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn bất cập; nhiều cán bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, chưa có sự thống nhất dẫn đến chậm tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Các dự án ODA đều là các dự án có số vốn được giao lớn, việc triển khai thực hiện các thủ tục phụ thuộc vào các bộ, ngành trung ương nên việc giải quyết các thủ tục tại các Bộ, ngành còn chậm chưa đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện...
Quang Thiều