Yên Bái đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2020 | 8:04:32 AM

YênBái - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh những chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị mi ni. Tuy nhiên, hầu hết thuộc về các tập đoàn lớn, doanh nghiệp ngoài tỉnh, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trong tỉnh.

Người dân đến một cửa hàng của VinMart ở thành phố Yên Bái mua sắm.
Người dân đến một cửa hàng của VinMart ở thành phố Yên Bái mua sắm.

Năm 2019 được coi là thời điểm bùng phát thị trường bán lẻ với sự xuất hiện của hàng chục siêu thị mi ni, cửa hàng tiện ích, chuyên doanh. Riêng Tập đoàn Vingroup đồng loạt khai trương chuỗi 10 cửa hàng tự chọn VinMart ở hầu khắp những điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn thành phố Yên Bái. Với mục tiêu hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng, VinMart đã đầu tư các cửa hàng tiện ích, siêu thị mi ni quy mô nhỏ, diện tích dưới 1.000 m2 cung cấp đầy đủ mọi mặt hàng thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý. 

Đặc biệt, VinMart thể hiện sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý người tiêu dùng với mô hình "2 trong 1”, kết hợp giữa siêu thị mi ni và cửa hàng tiện lợi, vừa cung cấp thực phẩm vừa cung cấp thực phẩm ăn nhanh và các loại hàng hóa tiện ích khác nên thu hút một lượng khách hàng lớn đến mua sắm. 

Anh Trần Văn Hùng, thường trú tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi thường xuyên mua sắm thực phẩm, hàng công nghệ phẩm tại cửa hàng tiện lợi của VinMart trên đường Nguyễn Thái Học thay vì việc đi chợ truyền thống hay vào siêu thị như trước đây, bởi hàng hóa phong phú, tươi ngon, có kiểm định chất lượng và được tư vấn, hỗ trợ ngay tại quầy". 

Ngoài địa bàn thành phố Yên Bái, Siêu thị Điện máy Xanh đã đầu tư cơ sở ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên nhằm cung ứng đến khách hàng sản phẩm điện máy gia dụng tầm trung phù hợp với điều kiện chi tiêu ở nông thôn và gia tăng các dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị sau bán hàng. Cách làm này đã chiếm trọn lòng tin của người dân vì "lên phố sắm đồ ngại một, đề nghị bảo hành, sửa chữa ngại gấp đôi”. 

Sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng chuyên kinh doanh tiện ích đã mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng trên thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn ngoài tỉnh nên hàng hóa sản xuất trong tỉnh ít có mặt trong hệ thống phân phối này. 

Đây là hạn chế của các doanh nghiệp cung ứng hàng nông sản trong tỉnh, mặc dù Yên Bái có hơn 10 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp; trên 80 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc rõ ràng đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. 

Sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh với khối lượng lương thực, thực phẩm lớn, đa dạng và phong phú đã khẳng định được vị thế và tạo uy tín trên thị trường với một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên, các mặt hàng này vẫn chưa "chen chân” được vào các siêu thị, hệ thống phân phối lớn; trong khi các nhà phân phối của tỉnh chưa đủ sức xây dựng các chuỗi cửa hàng để quảng bá rộng rãi các sản phẩm.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đang khắc phục tình trạng "lép vế” trên sân nhà, thiết nghĩ tỉnh cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa các ngành chức năng đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khâu xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có phương án phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và phát triển chuyên sâu các dịch vụ chế biến theo sản phẩm đặc trưng của mình. 

Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm 2019 của Yên Bái ước đạt 15.702 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm trước. Phân theo nhóm ngành hàng: lương thực, thực phẩm ước đạt 7.874 tỷ đồng, tăng 16%; hàng may mặc ước đạt 768 tỷ đồng, tăng 7,2%; đồ dùng, dụng cụ gia đình ước đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 13,7%; vật phẩm văn hóa giáo dục ước đạt 1.153 tỷ đồng, tăng 10,2%; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.830 tỷ đồng, tăng 8,4%; ô tô (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 267,9 tỷ đồng, tăng 7,9%; phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 1.245 tỷ đồng, tăng 14,4%; xăng dầu các loại đạt 1.240 tỷ đồng, tăng 11,7%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) ước đạt 105 tỷ đồng, tăng 4,94%; đá quý, kim loại quý ước đạt 91,6 tỷ đồng, tăng 16,6%; hàng hóa khác ước đạt 451 tỷ đồng, tăng 9%; dịch vụ sửa chữa xe ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 282,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so năm trước. 

Quang Thiều

Các tin khác
Hồ chứa nước Tả Trạch nằm ở phía thượng nguồn sông Hương, Thừa Thiên-Huế.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược về cấp nước là bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế-xã hội.

Thức ăn cho đàn vịt bầu Lâm Thượng được hộ ông Nguyễn Tiến Mạnh bổ sung thân cây chuối tươi băm nhỏ trộn với cám.

Tháng 8/2019, gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh ở thôn Bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên là hộ duy nhất được lựa chọn tham gia mô hình chăn nuôi vịt bầu Lâm Thượng an toàn dịch bệnh. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND xã Việt Hồng triển khai thực hiện có quy mô 400 con vịt.

Vừa qua, tại thị xã Nghĩa Lộ, Công ty TNHH nhà nước Một thành viên xổ số kiến thiết Yên Bái đã tổ chức tổng kết công tác phát hành và quản lý đại lý xổ số năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 khu vực các huyện, thị phía Tây tỉnh Yên Bái.

Các địa phương phải tổ chức thực hiện, thiết lập hệ thống bản đồ và hồ sơ kỹ thuật phản ánh chính xác, đầy đủ theo đúng hiện trạng ranh giới các loại đất...

Tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh (nông, lâm trường).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục