Chị Hoàng Thị Liên, xã Hạnh Sơn cho biết: "Tôi có 4 sào ruộng và tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình đã huy động nhân lực tập trung làm đất và xuống cấy xong trước tết Nguyên đán”.
Cũng như chị Liên, anh Lường Văn Thư ở xã Thanh Lương vụ đông xuân năm nay có kế hoạch gieo cấy 6 sào. "Những năm trước, giáp tết Nguyên đán hoặc sau tết gia đình mới hoàn thành việc gieo cấy. Nhưng năm nay, thời tiết thuận lợi nên 6 sào ruộng của gia đình tôi sẽ cấy hoàn thành ngày 16/1”- anh Thư chia sẻ.
Ông Hà Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: vụ xuân 2020, xã có kế hoạch gieo trồng 146 ha; trong đó, lúa thuần chất lượng cao 120 ha. Để hoàn thành mục tiêu 60,5 tấn/ha, xã đã họp về kết quả sản xuất nông lâm nghiệp năm 2019 và phân công cán bộ phụ trách các thôn nhằm hướng dẫn bà con tập trung vệ sinh đồng ruộng, cày ải, bón lót phân hữu cơ vi sinh, tích cực tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, nên 50% diện tích sẽ được hoàn thành trước tết Nguyên đán.
Vụ xuân 2020, huyện Văn Chấn có kế hoạch gieo cấy 4.060 ha, với cơ cấu giống là lúa thuần chất lượng cao gắn với hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung bằng các loại giống: Chiêm hương, ĐS1, HT1, Séng cù, Thiên ưu 8, J02, Bắc thơm 7… và phấn đấu năng suất bình quân đạt 59,06 tạ/ha trở lên.
Ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: ngay sau khi kết thúc vụ mùa, huyện đã tổ chức đánh giá và triển khai kế hoạch gieo cấy vụ xuân 2020. Trong đó, tập trung phân tích nhận định về xu thế thời tiết như hiện tượng El-Nino, không khí lạnh, rét đậm rét hại… để đưa ra thời vụ gieo cấy cho từng vùng.
Theo đó, đối với các xã vùng cao và vùng thượng huyện, UBND huyện Văn Chấn chỉ đạo gieo mạ từ ngày 10 - 20/1 và tập trung cấy xong trong tháng 2/2020. Còn vùng Mường Lò và các xã, thị trấn vùng ngoài tập trung gieo mạ từ ngày 7 - 10/1 để tập trung cấy trong và ngay sau tết Nguyên đán. Riêng các xã vùng ngoài từ Sơn Thịnh trở ra, huyện chỉ đạo nông dân gieo mạ đúng lịch thời vụ, chú trọng làm mạ khay, gieo mạ có che nilon để tránh rét.
Về đầu tư thâm canh, huyện chỉ đạo nông dân bón phân cân đối, bón lót sâu; trong đó, nên bón phân tổng hợp NPK, phân viên nén nhả chậm kết hợp sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân vi lượng qua lá và tăng cường kali cho lúa lai và lúa chất lượng cao. Cùng đó, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Công ty TNHH Nghĩa Văn tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống thủy lợi, nạo vét tu sửa mương để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất, nhất là xây dựng kế hoạch dự trữ nước ở các ao hồ lớn để đủ nước trong giai đoạn cấy và tưới dưỡng lúa.
Nhờ tập trung các giải pháp đồng bộ từ khâu chuẩn bị đất, kế hoạch dự trữ nước, cơ cấu giống, phân bón và sự chủ động của người dân, đến nay, toàn huyện Văn Chấn đã cày bừa được trên 2.500 ha, xuống cấy được trên 500ha lúa sớm tập trung chủ yếu ở các xã: Hạnh Sơn, Sơn A, Thanh Lương…
Ngoài cây lúa, Văn Chấn đang tập trung chỉ đạo gieo trồng hơn 2.000 ha ngô xuân và 1.100 ha rau màu các loại.
Văn Tuấn