Huyện Mù Cang Chải có trên 80.328 ha đất có rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 60.088 ha, diện tích rừng trồng 20.240 ha; độ che phủ rừng đạt 67,07% và đây cũng là huyện nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng. Từ năm 2017 trở về trước, không năm nào huyện này không xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, 3 năm nay đã khác...
Để chủ động ứng phó với cháy rừng, ngay trước mùa khô hanh, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) các xã, thị trấn và chủ rừng; tại các thôn, bản thành lập các tổ đội xung kích tuần tra, bảo vệ rừng. Các xã, thị trấn xây dựng lịch trực PCCCR, có ghi số điện thoại liên lạc của từng thành viên để kịp thời chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, huyện Mù Cang Chải đã tăng cường tuyên truyền đến mọi người dân thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi, kẻ pano, áp phích, băng hình, tổ chức cho nhân dân học tập, ký cam kết trong việc bảo vệ rừng và PCCCR.
Đến nay, 100% thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng (BVR) trong cộng đồng dân cư, ký cam kết BVR và PCCCR tại 98 thôn, bản, tổ dân phố trên toàn huyện với 11.483 lượt hộ. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền thì một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế cháy rừng được huyện Mù Cang Chải thực hiện đó là triệt tiêu "mồi lửa” ngay từ cửa rừng.
Ông Nguyễn Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: để chủ động ứng phó với cháy rừng, ngoài xây dựng các phương án PCCCR thì việc kiểm soát lửa rừng được chính quyền, các chủ rừng, người dân quan tâm, tuân thủ đúng mức. Vào mùa khô, tại các xã tổ chức dựng các chòi canh lửa, lán trực cháy tại các điểm cao; đồng thời, các thôn, bản cắt cử lực lượng thay nhau túc trực 24/24 giờ ở các chòi canh lửa.
Hiện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện duy trì 95 chòi canh và lán tạm canh lửa nhằm phát hiện kịp thời các đám cháy. Việc tuần tra, kiểm soát quản lý người và phương tiện đi vào rừng được tăng cường. Đặc biệt, để triệt tiêu mồi lửa ngay tại cửa rừng, tại các xã trọng điểm, thành lập các chốt chặn ngay tại cửa rừng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, người không có phận sự không được vào rừng.
Bên cạnh đó, huyện Mù Cang Chải chú trọng việc xây dựng quỹ bảo vệ rừng cấp thôn, bản trên nguyên tắc nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí và tự quyết định việc sử dụng quỹ thông qua quy ước thôn, bản. Vụ khô hanh năm 2018 - 2019, toàn huyện đã gây dựng được quỹ thôn, bản trên 197 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng để trả công cho người dân tham gia tuần tra, kiểm tra rừng, chủ động trong công tác PCCCR.
Để quản lý lửa rừng thì việc kiểm soát nương rẫy cũng được triển khai đồng bộ. Hàng năm, khi bước vào mùa khô hanh cũng là thời điểm người dân làm nương rẫy tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao; do đó, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã thị trấn làm tốt công tác thống kê, quy hoạch sản xuất nương rẫy, tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ thuật đốt dọn nương rẫy, đốt xử lý thực bì đúng quy định. Trước khi đốt rẫy, xử lý thực bì, người dân phải báo với UBND xã, chỉ được phép đốt sau khi được sự kiểm tra đảm bảo an toàn trong PCCCR và được sự đồng ý của UBND xã.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng khô hanh kéo dài có thông tin dự báo cháy rừng cấp III trở lên, chính quyền địa phương không cho phép dùng lửa đốt xử lý thực bì, đốt nương rẫy. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt quản lý tốt lửa rừng nên 3 năm trở lại đây trên địa bàn không để xảy ra cháy rừng.
Phát huy kinh nghiệm trong PCCCR, bước vào mùa khô 2019 - 2020, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện đến cấp xã; xác định vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng để tập trung chỉ đạo; các xã tổng kết kiểm điểm đánh giá kết quả PCCCR để rút kinh nghiệm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về BVR và PCCCR; hạt kiểm lâm tăng cường cán bộ kiểm lâm về các địa bàn trọng điểm về cháy rừng, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương, rẫy theo quy hoạch; duy trì thông tin báo cáo công tác BVR, PCCCR kịp thời, chính xác; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về PCCCR.
Văn Thông