Một trong những quan điểm và nguyên tắc phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến 2030 được Chính phủ xác định, đó là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng, giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
Tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh cũng không ngoài mục tiêu đưa thành tựu ứng dụng công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo bước đột phá về phương thức cũng như nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng chất lượng cuộc sống, chất lượng cung cấp dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, thu hút nhà đầu tư vào địa bàn.
Đề án "Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025” được thông qua tại Kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII là chủ trương đúng đắn, phù hợp với định hướng Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuân thủ các nguyên tắc chung xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, bao gồm: có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên các nhiệm vụ có tính chất tổng quát và phục vụ liên ngành bao gồm kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tại địa phương, đảm bảo an toàn thông tin; đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa - kinh tế, xã hội, các giá trị vật chất và phi vật chất của các địa phương; lấy người dân làm trung tâm; bảo đảm năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh; chú trọng áp dụng công nghệ ICT phù hợp với đô thị thông minh như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…; tận dụng, tối ưu cơ sở hạ tầng ICT sẵn có; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, năng lực ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, đặc biệt là hạ tầng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân...
Việc xây dựng mô hình đô thị thông minh được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm lấy người dân làm gốc; sử dụng công nghệ một cách thông minh, mục tiêu hướng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ quan điểm này, giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh tập trung triển khai xây dựng hạ tầng đô thị thông minh; trung tâm quản lý, điều hành, xử lý tập trung dữ liệu đô thị đa nhiệm và một số dịch vụ thông minh thuộc các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, du lịch, hành chính công, với quy mô trên phạm vi toàn tỉnh hoặc ở một số địa bàn cụ thể, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế và khả năng bố trí nguồn lực thực hiện.
Ông Nguyễn Đoạt - Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh - Giám đốc Ban điều hành Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện các hạng mục và dự án thành phần; trong đó, dự án về hạ tầng gồm 4 hạng mục: xây dựng tòa nhà điều hành đô thị thông minh; trung tâm tích hợp dữ liệu; xây dựng 57 điểm camera tại các ngã ba, ngã tư trên địa bàn thành phố và các huyện, thị trong tỉnh; trong đó, có 38 điểm giám sát về an toàn giao thông, còn lại giám sát về an ninh; xây dựng hệ thống an toàn an ninh mạng của tỉnh Yên Bái.
Dự án về ứng dụng có tên gọi Trung tâm Điều hành, giám sát đô thị thông minh triển khai xây dựng 7 hạng mục nhỏ đó là: quy hoạch ICT phát triển đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm Điều hành đặt tại tòa nhà điều hành đô thị thông minh; xây dựng hệ thống y tế thông minh; hệ thống giáo dục thông minh; hệ thống du lịch thông minh; hệ thống kinh tế thông minh; triển khai xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Rực rỡ đường hoa xuân thành phố Yên Bái.
Theo đó, sẽ triển khai các ứng dụng công nghệ thông minh hỗ trợ hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, mục tiêu góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai và các nguồn lực phát triển; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong xây dựng hệ thống y tế thông minh, sẽ có 7 bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng bệnh án điện tử, liên thông các bệnh viện, giúp người dân quản lý được hồ sơ sức khỏe của mình… Trong xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, sẽ xây dựng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông minh kết nối thông tin dữ liệu toàn ngành; kết nối phụ huynh học sinh với giáo viên, nhà trường thông qua sổ liên lạc điện tử; xây dựng ngân hàng đề thi, hệ thống thi trắc nghiệm trực tiếp trên câu hỏi…
Trong giai đoạn 1 của Đề án, các ứng dụng công nghệ phát triển đô thị thông minh sẽ được tỉnh triển khai thí điểm ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái: như xây dựng cổng thông tin điện tử của phường, hệ thống y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh; xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng App người dân trên điện thoại thông minh để người dân được giám sát, tương tác với chính quyền và các cơ quan Nhà nước...
Giai đoạn 2019 - 2021, Đề án được triển khai với tổng kinh phí thực hiện 1.200 tỷ đồng; định hướng đến năm 2025, tiếp tục nhân rộng các kết quả dự án đã triển khai trong giai đoạn 1, triển khai mới các hạng mục, dự án thành phần như hệ thống quản lý đô thị thông minh thành phố Yên Bái; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống tài nguyên, môi trường thông minh; hệ thống nông nghiệp thông minh; hệ thống điều hành trong lĩnh vực tư pháp; dịch vụ thông minh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại…
Tỉnh kỳ vọng đúng dịp 2/9/2020, sẽ hoàn thành, đưa Trung tâm Điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu, tập trung đa nhiệm tại tòa nhà điều hành đô thị thông minh vào hoạt động chào mừng và phục vụ sự kiện Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Minh Thúy