Tuy Lộc: Hoa tươi, người lo

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/1/2020 | 2:39:44 PM

YênBái - Tuy Lộc là xã có diện tích trồng hoa tập trung lớn nhất của thành phố Yên Bái với tổng diện tích hàng chục héc - ta và hàng trăm hộ tham gia. Tuy nhiên, phong trào trồng hoa tràn lan, tự phát, thiếu khoa học đã thấy những hậu quả nhãn tiền.

Hoa cúc nở sớm hơn dự tính khiến người trồng hoa thất thu.
Hoa cúc nở sớm hơn dự tính khiến người trồng hoa thất thu.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, vào mỗi dịp tết đến, xuân về, hàng trăm hộ nông dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) lại tích cực trồng, chăm sóc các loại hoa để cung ứng ra thị trường, trong đó chủ yếu là các loại truyền thống như: cúc, hồng, ly...

So với trồng lúa thì thu nhập từ hoa cao gấp 5 - 7 lần nên phong trào trồng hoa ngày càng nở rộ, chủ yếu mang tính tự phát. Dịp tết Nguyên đán năm nay, số hộ trồng hoa và diện tích hoa ở xã Tuy Lộc tăng hơn nhiều so với năm ngoái, cộng thêm thời tiết diễn biến bất thường khiến nhiều diện tích hoa bị hỏng, hoa nở không đẹp, nở sớm, khiến giá thành giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng hoa. 

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn hoa cúc tan tác sau trận mưa to đêm hôm trước, chị Vũ Thị Linh Nhâm ở thôn Hợp Thành buồn rầu: "Thế là bao công sức, tiền bạc mấy tháng qua của vợ chồng tôi đều đổ xuống sông, xuống bể. Năm nào cũng chỉ trông vào vụ hoa tết để kiếm thêm thu nhập mà năm nay thu được vốn đầu tư là may lắm rồi”. 

Được biết, vụ trồng hoa tết năm nay, gia đình chị Nhâm trồng 1,5 vạn gốc hoa cúc các loại, hiện, một phần diện tích hoa đã bị hỏng vì mưa to và sương muối, diện tích còn lại đều đang nở rộ sớm hơn dự tính đến nửa tháng nên gia đình chị phải nhanh chóng bán buôn với giá rẻ. 

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Nhâm, gia đình chị Cao Thị Thuận ở xã Tuy Lộc thuê đất ở gần khu vực cầu Bách Lẫm trồng 6 vạn gốc hoa cúc vàng đông và 3 vạn gốc cúc chi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích hoa này gần như đã nở hết, trong đó, có nhiều diện tích hoa bị dập nát, hoa xấu, cây thấp, bông nhỏ do nắng ấm liên tục, sương muối, mưa to… Ước tính cả tiền mua cây giống và công chăm sóc, gia đình chị Thuận lỗ khoảng 30 triệu đồng.

Tuy Lộc là xã có diện tích trồng hoa tập trung lớn nhất của thành phố Yên Bái với tổng diện tích hàng chục héc - ta và hàng trăm hộ tham gia. Tuy nhiên, do không phải là vùng chuyên canh hoa mà chỉ trồng theo mùa vụ nên hầu hết các hộ trồng hoa nơi đây đều không đầu tư cơ sở vật chất (lưới che, bóng điện chiếu sáng…) để trồng và chăm sóc hoa; nhiều hộ còn chưa nắm vững kiến thức kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa nên khi gặp thời tiết không thuận lợi, diễn biến bất thường hay gặp rủi ro cao, chất lượng hoa kém, sâu bệnh nhiều. 

Cùng với lý do trên, một trong những nguyên nhân khiến cho các hộ trồng hoa ở xã Tuy Lộc năm nay cảm thấy buồn và lo lắng là giá hoa xuống quá thấp. Đây cũng là "hậu quả” của việc "cung” vượt "cầu”, trồng hoa theo phong trào, không có khả năng dự báo tình hình giá cả, thị trường… 

Được biết, phần lớn diện tích hoa được trồng ở xã Tuy Lộc là để cung ứng cho thị trường thành phố Yên Bái và một số huyện lân cận, trong khi lại phải "cạnh tranh” với hoa được mang đến từ các vùng chuyên canh nổi tiếng như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Mê Linh (Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai)… có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn nhiều mà giá cả cũng phải chăng nên hoa của Tuy Lộc không vì thế không được người mua mấy mặn mà. 

Chị Nhâm cho biết thêm: "Vì trồng hoa với số lượng lớn nên các hộ trồng hoa ở xã chúng tôi thường phải thu hoạch hoa từ chiều tối muộn hôm trước, để 1 - 2 giờ sáng hôm sau mang ra chợ Ga Yên Bái đổ buôn. Mưa dầm, rét mướt cũng phải đi, vì hoa đã nở không bán kịp thì cũng vứt đi. Giá mỗi cây hoa cúc giống, chúng tôi nhập về trồng là 500 đồng, sau 2, 3 tháng chăm sóc, thuốc thang, bán buôn cũng chỉ được gần 2.000 đồng/cây. Thêm phần hoa bị hỏng do thời tiết nên năm nay các hộ trồng hoa hòa vốn là tốt rồi”.

Thực trạng trồng hoa ở Tuy Lộc là "bài học” để các hộ nông dân trong tỉnh cân nhắc, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cả về kỹ thuật trồng chăm sóc các loại cây và thị trường tiêu thụ để tránh việc đầu tư mất công, mất sức mà không mang lại hiệu quả kinh tế. 

H.O

Các tin khác
Người dân chọn mua hàng hóa phục vụ tết.

Những ngày này, thị trường mặt hàng phục vụ tết Nguyên đán Canh Tý khá sôi động. Sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trước đó và khoảng 10% so với tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019; giá cả có biến động nhẹ đối với các mặt hàng thực phẩm.

Giao dịch vàng tại Bảo Tín Minh Châu.

Khi quy đổi theo tỷ giá USD trong nước, giá vàng tương đương 43,45 triệu đồng/lượng, cao hơn thương hiệu SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn khoảng 100.000 đồng/lượng.

Những dấu chân âm thầm của những người "gác rừng" đã in đậm trong từng ngóc ngách với rừng thẳm, nơi thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở núi cao, vực sâu. Sự hy sinh thầm lặng của các anh đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ "lá phổi xanh" vùng Tây Bắc.

Thi công đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Kết thúc năm 2019, ngành giao thông - vận tải (GTVT) đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra khi nhiều công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành đưa vào sử dụng; nhiều tuyến đường huyết mạch được nâng cấp, cải tạo; mạng lưới giao thông nông thôn không ngừng được mở rộng, cứng hóa; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông (TNGT) được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục