Xã Đào Thịnh là một trong những địa phương có diện tích quế lớn của huyện Trấn Yên, với khoảng 700 ha; sản lượng quế tươi trung bình mỗi năm đạt hơn 450 tấn, hơn 40 tấn tinh dầu quế và trên 750m3 gỗ quế. Nhờ trồng quế đã thay đổi đời sống của người dân và năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,53%.
Gia đình anh Nguyễn Trí Tuệ, thôn 5 là người tiên phong trồng quế tại xã Đào Thịnh. Sau khi xuất ngũ, với suy nghĩ đơn giản là tạo công ăn việc làm, năm 1993 anh Tuệ mạnh dạn nhận đất rừng trồng trên 2.000 cây quế.
Sau 7 năm cho thu hoạch, tuy giá bán thấp nhưng anh vẫn bám trụ và quyết tâm vươn lên làm giàu từ cây quế. Vừa làm, vừa mở rộng diện tích, đến nay, anh Tuệ có khoảng 20 ha quế, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Anh Tuệ cho biết: "Hiện, gia đình đã mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng, chăm sóc hữu cơ nên thị trường tiêu thụ đã được mở rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Tại xã Đào Thịnh, diện tích quế được trồng nhiều ở 3 thôn: 5,6,7 với trên 500 ha. Đặc biệt, vài năm gần đây, người dân đã có kinh nghiệm và được học hỏi khoa học, kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc quế. Do đó, bà con trồng với mật độ dày hơn trước và đến năm thứ 4 bắt đầu tỉa lá, cành, cây nhỏ để bán; từ năm thứ 5 trở đi, mật độ ổn định thì người dân không khai thác mà chăm sóc tiếp và sau 7 đến 10 năm sẽ thu hoạch toàn bộ.
Từ giá trị kinh tế của cây quế, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi đất rừng sang trồng quế. Do điều kiện đất đai khí hậu phù hợp nên chất lượng quế tại Đào Thịnh được đánh giá cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Chị Nguyễn Thị Hoan - thương lái tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cho biết: "Tôi thấy sản phẩm quế của xã Đào Thịnh nhìn khá bắt mắt, giá cả ổn định nên thường xuyên liên hệ với người dân nơi đây để thu mua”.
Với diện tích quế lớn, chính quyền xã Đào Thịnh đã khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên kết theo chuỗi giá trị giữa người dân với doanh nghiệp giúp tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần đưa thương hiệu quế Đào Thịnh vươn xa trên thị trường.
Năm 2017, được sự giúp sức từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các hộ trồng quế ở xã Đào Thịnh đã liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam - Vina Samex thành lập HTX Quế hồi Việt Nam với hơn 20 thành viên tham gia.
Hiện nay, HTX đang triển khai dự án sản xuất và xuất khẩu quế với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng; tập trung xây dựng vùng quế hữu cơ có chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế; tạo việc làm thường xuyên cho từ 50 - 100 lao động với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/1 tháng; doanh thu bình quân mỗi năm trên 30 tỷ đồng, bao tiêu sản phẩm quế cho xã Đào Thịnh và các xã lân cận.
Khi mới thành lập, HTX có 1,5 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ của quốc tế, đến nay, sau khi liên kết các hộ trồng quế chăm sóc theo đúng quy trình thì diện tích tăng lên 500 ha. Sau khi quế được thu mua về sẽ phân loại, sơ chế thành 12 loại sản phẩm như: quế "điếu thuốc”, quế "ống điếu”, "quế tăm”, bột quế, tinh dầu quế… được xuất khẩu tới Ấn Độ, các nước Trung Đông, một số thị trường cao cấp như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Năm 2018, HTX đã xuất khẩu hơn 500 tấn quế các loại, quý I năm 2019, xuất khẩu được trên 50 tấn quế sang Nhật, Pháp. Đây là mô hình đầu tiên sản xuất các sản phẩm từ quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, tạo ra sản phẩm quế an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Thực hiện Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm”, HTX Quế hồi Việt Nam đăng ký sản phẩm quế "điếu thuốc” nhằm nâng cao thương hiệu quế Đào Thịnh. Mới đây, sản phẩm quế "điếu thuốc” được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao theo bộ tiêu chí đánh giá quy định tại Quyết định số 1048 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ Tiêu chí OCOP quốc gia.
Được biết, thời gian tới, chính quyền xã Đào Thịnh sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích quế, hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật để bà con sản xuất đảm bảo an toàn, hướng đến thị trường xuất khẩu; chủ động liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị sản phẩm để cây quế trở thành cây làm giàu của xã Đào Thịnh, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trần Ngọc