Chúng tôi về xã Tân Hương, nơi có diện tích đất lâm nghiệp lớn của huyện Yên Bình. Những quả đồi được phủ xanh bằng bạt ngàn các loại cây nguyên liệu.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Lành cho biết: "Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, xã đã chỉ đạo nhân dân đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: keo, bồ đề, bạch đàn, quế... vào sản xuất. Đến nay, toàn xã có 2.700 ha rừng trồng các loại. Riêng năm 2019, nhân dân trong xã đã trồng rừng mới đạt trên 220 ha.
Từ phát triển rừng trồng, nhiều hộ dân không chỉ có thu nhập ổn định mà đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, có trên 100 hộ gia đình có diện tích trồng cây keo, cây bồ đề cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Nhiều hộ làm giàu từ rừng với doanh thu mỗi lần khai thác từ 500 - 700 triệu đồng, trong đó phải kể đến hộ gia đình ông Lương Văn Hậu, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Bá Lực.
Nhờ trồng rừng, thu nhập bình quân đầu người của xã ngày càng tăng cao, đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,16%”.
Huyện Yên Bình là một trong 4 địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh, đây được coi là thế mạnh để kinh tế đồi rừng phát triển. Khai thác tiềm năng, thế mạnh này, những năm qua, Yên Bình đã giao đất, giao rừng cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng; gắn trồng rừng với đổi mới công nghệ chế biến.
Đặc biệt, ngay những ngày đầu năm mới, huyện phát động phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với sự tham gia của toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, phong trào trồng rừng phát triển sâu rộng và được nhân dân hưởng ứng tích cực. Diện tích rừng kinh tế không ngừng tăng lên và trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tính riêng năm 2019, toàn huyện trồng mới 3.245 ha rừng sản xuất, đạt 112,2% kế hoạch năm; khai thác trên 190.000 m3 gỗ rừng trồng và trên 6.000 tấn tre, vầu, nứa phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Yên Bình cũng là huyện tiên phong trong trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn. Từ năm 2014, huyện thực hiện thí điểm mô hình quản lý rừng bền vững, tiến tới cấp chứng chỉ FSC cho các nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn. Năm 2017, đã cấp chứng chỉ rừng cho 1.737 ha rừng tại 5 xã, thị trấn gồm: Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Hương, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình; năm 2018, cấp chứng chỉ rừng cho 2.302 ha tại 3 xã: Bảo Ái, Tân Nguyên, Cảm Ân.
Ngoài ra, triển khai Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải C02 (Dự án KfW8), năm 2017, huyện đã chuyển hóa 4.300 ha rừng trồng nguyên liệu gỗ sang kinh doanh gỗ lớn; năm 2018, chuyển hóa 1.943 ha sang trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn 9 xã: Xuân Long, Bảo Ái, Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Văn Lãng, Cảm Ân, Yên Thành.
Để có được con số trồng rừng ấn tượng như vậy, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt diễn biến tài nguyên rừng. Nhờ nắm bắt tốt diễn biến tài nguyên rừng của từng địa phương nên hàng năm việc giao kế hoạch trồng rừng sát với thực tế. Để đáp ứng nhu cầu về cây giống, các vườn ươm chủ động ươm cây từ cuối năm trước nên khi vào vụ trồng rừng, nguồn cây giống đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân.
Ông Hà Ngọc Qúy - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: "Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng hàng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của nhân dân. Hàng năm, huyện đều tổ chức lễ phát động tết trồng cây vào dịp đầu xuân, qua đó đã thúc đẩy phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Các địa phương đều phát động phong trào tết trồng cây gắn với trồng rừng. Nhờ đó, những năm gần đây huyện đều hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng cả năm ngay trong vụ xuân”.
Để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới, Yên Bình khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp; phát triển ổn định các doanh nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất kinh doanh lâm sản hiện có trên địa bàn; gắn vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác dự báo thị trường, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân. Đặc biệt, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.
Văn Thông