Xuân này, gia đình anh Hà Xuân Tạo ở thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành đón một cái tết vui vẻ, đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần. Đặc biệt, gia đình đã thoát nghèo và mua sắm được nhiều trang thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt và tất cả đều nhờ vào nguồn thu măng tre Bát độ.
Anh Tạo bày tỏ: "Giai đoạn từ năm 2004 - 2007, được Nhà nước hỗ trợ củ giống, gia đình tôi đã trồng tre măng Bát độ thay cây bồ đề. Với trên 3 ha tre măng, năm 2019, gia đình anh đã thu trên 100 triệu đồng. Nguồn thu này giúp gia đình trở thành hộ có thu nhập khá của xã”.
Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, những năm qua, xã Hồng Ca xác định phát triển rừng theo chuỗi giá trị liên kết là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của xã và bình quân hàng năm, giá trị thu từ rừng của Hồng Ca đạt trên 14 tỷ đồng.
Rừng đã góp phần cung cấp nguyên liệu chế biến cho doanh nghiệp trong và ngoài xã; đồng thời, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: "Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2020, Hồng Ca phấn đấu trồng thay thế 290 ha rừng các loại trở lên, trong đó, có 200 ha quế tập trung để đến hết năm 2021, Hồng Ca hoàn thành việc xây dựng vùng quế hữu cơ 800 ha”.
Với đặc điểm là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nên những năm qua, huyện Trấn Yên xác định kinh tế rừng là thành phần quan trọng trong nội ngành nông nghiệp. Vì vậy, cơ cấu trồng rừng của huyện có sự chuyển dịch tích cực và đến nay, huyện đã hình thành được các vùng trồng rừng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm, gắn với công nghiệp chế biến như: vùng tre măng Bát độ gần 3.400 ha, hơn 10.000 ha quế và hơn 26.000 ha cây nguyên liệu giấy ở tất cả các địa phương trong huyện.
Năm 2019, nhân dân trồng thay thế trên 2.700 ha rừng các loại; nhiều địa phương trồng rừng đạt và vượt kế hoạch giao; cơ cấu rừng căn bản được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị canh tác…
Bên cạnh việc trồng rừng, huyện thu hoạch được 20.000 tấn măng tre Bát độ; 3.800 tấn quế vỏ, khai thác gỗ rừng trồng 100.000m3 gỗ... Mọi sản phẩm lâm sản đều được gắn với công nghiệp chế biến; do đó, góp phần nâng cao giá trị lâm sản của nhân dân, kích thích người dân gắn bó đầu tư cho trồng rừng.
Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2020, huyện Trấn Yên phấn đấu trồng thay thế 2.750 ha rừng các loại; trong đó, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là trồng thay thế 200 ha tre măng Bát độ và 1.000 ha quế.
Để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch đất rừng để trồng tre măng Bát độ; rà soát, kiểm tra chất lượng giống ở hơn 100 vườn ươm toàn huyện; làm tốt công tác chuẩn bị quỹ đất để tiến hành trồng rừng.
Ông Đỗ Văn Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện khẳng định: "Ngay khi bước vào năm 2020, Hạt đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn rà soát, thống kê diện tích rừng đã khai thác làm cơ sở cho trồng rừng vụ xuân; kiểm tra chất lượng giống cây trồng tại các vườn ươm, đảm bảo khi đưa vào trồng sinh trưởng, phát triển tốt; vận động nhân dân thâm canh rừng gỗ lớn để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích; hoàn thành kế hoạch trồng rừng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Việc làm tốt công tác chuẩn bị và hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Canh Tý diễn ra ngày mùng 6 tết tại xã Việt Cường là động lực để các địa phương trong huyện đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.
Qua 10 ngày phát động Tết trồng cây, nhân dân đã trồng thay thế được 857 ha rừng các loại, đạt 31% kế hoạch, trong đó, có ha 555 ha rừng tập trung. Những thành tích đã, đang đạt được trong trồng rừng sẽ là tiền đề tốt để huyện Trấn Yên nhanh chóng hoàn thành kế hoạch trồng thay thế 2.750 ha rừng năm 2020.
Thanh Hùng