Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và những giải pháp căn cơ bài bản, năm 2019 đã có 13.682 hộ nghèo thoát nghèo, giảm tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 25.086 hộ, chiếm tỷ lệ 11,56% số hộ. Bên cạnh giảm hộ nghèo, có thêm 7.909 hộ thoát cận nghèo, còn 20.514 hộ, chiếm tỷ lệ 9,45%.
Từ kết quả ấn tượng đó, năm nay, tỉnh đề ra mục tiêu giảm 8.479 hộ nghèo, tương đương 4% số hộ, trong đó, nhiệm vụ mới đặt ra là: phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (với 634 hộ, phấn đấu hỗ trợ nhà cho 105 hộ).
Để đạt được mục tiêu trên, theo kế hoạch, tổng kinh phí triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020 của tỉnh dự kiến là 6.271.295 triệu đồng; trong đó, vốn trung ương ước khoảng 1.772.807 triệu đồng; địa phương khoảng 35.364 triệu đồng; vốn NGO, ODA ước khoảng 764.490 triệu đồng; vốn huy động cộng đồng doanh nghiệp khoảng 29.634 triệu đồng; vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội 3.354.000 triệu đồng.
Như vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; trong đó, tập trung đầu tư cải tạo kết cấu hạ tầng thiết yếu như: điện, đường giao thông, trạm y tế, trường học… gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Cùng đó, các chính sách tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin sẽ được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả.
Việc hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo, thực hiện giúp đỡ, hướng dẫn các hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, sử dụng nguồn vốn tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho hộ nghèo; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động tiếp tục được triển khai.
Công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ tự vươn lên thoát nghèo tiếp tục quan tâm.
Công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm tiếp tục được tăng cường. Người dân, cộng đồng dân cư sẽ được thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo.
Giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững, bên cạnh những giải pháp trên, nhân tố quyết định chính là sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong huy động nguồn lực và cả hệ thống chính trị, tổ chức, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia.
Theo Kế hoạch 170, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các đảng bộ, sở, ngành được phân công thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các ban, sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể của tỉnh, các tổ chức hội, cơ quan, đơn vị (gồm 66 đầu mối) trực tiếp chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 1.740 hộ nghèo tại các xã và hộ nghèo có thành viên tham gia các tổ chức hội, đoàn thể thoát nghèo; từng địa phương, xây dựng kế hoạch chi tiết và phương án thoát nghèo tại từng thôn, bản, tổ dân phố, từng hộ…
Cùng những chính sách hỗ trợ, để giảm nghèo hiệu quả, phải xóa được tận gốc tư tưởng trông chờ, ỷ lại và khát vọng vươn lên của hộ nghèo. Để làm được điều này, cùng với quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân; vận động người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có điều kiện tích cực tham gia lao động sản xuất, phát huy khả năng của bản thân chủ động phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Đình Tứ