Gia đình anh Giàng A Chua ở chòm Cang Chua, thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau có 6 con gia súc; trong đó, có 1 con trâu, 2 con bò và 1 con bê. Cụ thể, ngày 5/2, anh phát hiện một con bò xuất hiện các triệu chứng: bỏ ăn, đi lại khó khăn, mồm chảy dãi và xuất hiện các vết loét trong khoang miệng, có dấu hiệu lâm sàng của bệnh LMLM. Hai ngày sau, những con còn lại cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự, nên anh đã chủ động lùa đàn bồ về chuồng, báo cáo chính quyền địa phương đề nghị giúp đỡ.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống kiểm tra, giúp đỡ gia đình cách chữa trị cho những còn bò bị bệnh và cách ly những con chưa bị bệnh để tránh lây lan. Sau 5 ngày sử dụng thuốc sát trùng, 6 con gia súc của Chua đã được chữa khỏi, ăn uống trở lại.
Anh Chua chia sẻ: "Nhờ cán bộ thú y huyện đến giúp mà 3 con bò của gia đình đã được chữa khỏi, không lây sang những con bò khác. Nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời để lây lan sẽ gây thiệt hại lớn cho bà con. Sau đợt này, tôi sẽ chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi và vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng vôi bột và hóa chất để phòng dịch”.
Không chỉ riêng nhà anh Chua, dịch LMLM còn xuất hiện trên đàn gia súc của 9 hộ dân tại thôn Tàng Ghênh từ ngày 6/2 và đến nay có 25 con bị mắc, trong đó, có 6 con trâu, 14 con bò, 5 con bê. Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trạm Tấu đã thành lập đoàn kiểm tra, phân công cán bộ thú y trực tiếp giúp đỡ các hộ dân để chữa trị, cách ly những con trâu, bò bị bệnh để tránh lây lan.
Đồng thời, tiến hành phun tiêu độc khử trùng, hướng dẫn, vận động nhân dân không thả rông gia súc, đưa trâu, bò về chuồng chăm sóc kịp thời tránh lây lan. Đến ngày 16/02, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trạm Tấu đã phun 74 lít thuốc sát trùng và rắc 700 kg vôi bột, tiêm phòng 540 liều vắc - xin để khống chế và phòng tránh dịch lây lan.
Ông Giàng A Dê - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pá Lau cho biết: nguyên nhân xuất hiện dịch LMLM là do dịch bệnh có mầm bệnh tại địa phương từ trước do người dân vận chuyển mua bán từ nơi này tới nơi khác, nhất là dịp trước và sau tết Nguyên đán.
Ngay sau khi xuất hiện dịch, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; tổ chức họp thôn bản đôn đốc, vận động nhân dân tự đi kiểm tra đàn trâu, bò và nếu phát hiện gia súc mắc bệnh phải nuôi nhốt cách ly để điều trị triệu chứng, không di chuyển đàn gia súc từ nơi này đến nơi khác. Đồng thời, ra thông báo tạm thời dừng việc vận chuyển, mua bán, nhập xuất gia súc ra vào địa bàn; xã lập một chốt kiểm dịch tạm thời tại chòm Cang Chua để tránh lây lan ra các khu vực khác.
"Hiện tại, qua công tác điều trị, đã có 20 con trâu, bò được chữa khỏi, 5 con đang dần hồi phục sức khỏe. Mặt khác, xã cũng khuyến cáo người dân phải chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi và vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng hóa chất để phòng, chống dịch bệnh bùng phát, lây lan” - ông Giàng A Dê cho biết.
Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo tiêm phòng bao vây ổ dịch, tập trung lực lượng áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống, dập dịch hiệu quả; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tăng cường kiểm dịch vận chuyển gia súc ra vào địa bàn xã. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phun vệ sinh tiêu độc khử trùng tại ổ dịch để khống chế dịch bệnh.
Hà Anh