Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm đã được hình thành.
Hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới như: chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra... Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...
Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi. Năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%.
Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/01ha canh tác. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30%. Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.
Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế nên hiệu quả chính sách không cao.
Năm 2030, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu "đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đưa công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản Việt Nam "đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, bởi vậy chúng ta phải có chính sách tạo "cú đấm thép” để tháo gỡ vướng mắc phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Về tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp nhìn vào thực tế còn rất thấp so với khu vực, cần phải đẩy mạnh. Thủ tướng Chính phủ đưa ra hướng chính sách tín dụng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng kéo dài thời hạn cho vay; đồng thời với kích thích đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy xây dựng thương hiệu gắn với quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, quy trình khép kín theo chuỗi liên kết; quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu...
Văn Thông