Huyện Yên Bình có 20 xã nằm quanh hồ Thác Bà, với hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Nhiều năm về trước, người dân chủ yếu đánh bắt tự nhiên và khi sản lượng cá tự nhiên giảm dần thì người dân chuyển sang đánh bắt bằng các biện pháp tận diệt như: đánh lưới mắt dầy, vó bè, kích điện, nổ mìn nên nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần.
Năm 2005, một số người dân chuyển sang nuôi cá bằng lồng tre, hóp nhưng chỉ nuôi được cá trắm cỏ bằng hình thức quảng canh. Trước thực trạng trên, tỉnh quyết liệt chỉ đạo cấm đánh bắt cá bằng các hình thức đánh bắt hủy diệt; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà.
Đặc biệt, thực hiện đề án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cho cá nhân; 5 triệu đồng/lồng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên; hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà. Chính sách hỗ trợ đã tạo cú huých lớn cho ngành thủy sản của huyện Yên Bình phát triển.
Trước đây, người dân chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như: mè, trôi, trắm.... hiệu quả kinh tế thấp thì nay nhiều hộ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đưa con giống có giá trị vào sản xuất, mang lại thu nhập cao. Nhờ quan tâm phát triển toàn diện từ nuôi trồng, khai thác, bảo vệ; giá trị thủy sản hàng năm tăng bình quân 20%, chiếm 20% tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đến nay, hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản và trên 300 hộ nuôi cá lồng, cá quây lưới với 1.850 lồng cá và trên 230ha mặt nước. Tính riêng năm 2019, sản lượng thủy sản của huyện đạt trên 10.500 tấn, trong đó, chủ yếu là sản lượng nuôi cá lồng với 8.500 tấn, trong đó, cá rô phi 3.000 tấn, diêu hồng 2.000 tấn, lăng 1.500 tấn, trắm đen 600 tấn, ngạnh 500 tấn, nheo 500 tấn, chép 200 tấn các loại khác 200 tấn.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, để tạo sự phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá hồ Thác Bà. Hiện, Yên Bình cũng đang thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi trên hồ Thác Bà; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cá hồ Thác Bà, tìm kiếm nhà phân phối có năng lực, uy tín trong tiêu thụ sản phẩm.
Để chăn nuôi thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đang kêu gọi các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư vào nuôi cá, chế biến cá hồ Thác Bà để nâng giá trị cá hồ Thác Bà. Huyện phấn đấu đến năm 2025, hồ Thác Bà có khoảng 3.000 lồng cá, sản lượng khai thác đạt khoảng 20.000 tấn và mời gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn để xuất khẩu sản phẩm cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng sang thị trường các nước như: Mỹ, Nhật, Thái Lan và các nước châu Phi.
Văn Thông