Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và phân bón đã được Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện chủ động liên kết, tổ chức triển khai với Nhà máy Sắn Văn Yên (Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái), các địa phương để thâm canh cây sắn.
Tại 6 xã: Mậu Đông, Quang Minh, Đông Cuông, An Bình, Lâm Giang, Châu Quế Thượng đã thực hiện Đề án bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn Văn Yên với chế phẩm men vi sinh. Kết quả thực hiện đạt 162 ha, tương đương 1.134 tấn phân, bằng 113,3% kế hoạch.
Kết quả bước đầu, cây sắn sinh trưởng và phát triển tốt. Trên những diện tích đất dốc, canh tác nhiều năm, cây sắn được bón phân hữu cơ vi sinh ủ từ sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn với chế phẩm men Emic có khả năng sinh trưởng, phát triển cao hơn từ 10 - 20%, tiềm năng năng suất dự kiến cao hơn 16 - 17% so với diện tích cùng loại trồng theo cách thông thường của các hộ dân. Quan trọng hơn là đất được cải tạo, độ tơi xốp, độ ẩm, tỷ lệ mùn cao hơn nên tiềm năng năng suất những năm tiếp theo sẽ được giữ vững và nâng cao.
Song song, Đề án nhân rộng giống sắn mới cao sản BK quy mô 50 ha tại 5 xã: Quang Minh, An Bình, Đông Cuông, Lâm Giang, Châu Quế Thượng nhằm bước đầu đánh giá tính thích nghi và tiềm năng năng suất để làm cơ sở nhân rộng cho những năm tiếp theo, dần bổ sung và thay thế bộ giống sắn cao sản cũ đã có biểu hiện thoái hóa.
Qua theo dõi, cây sắn sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, cây khỏe, dự kiến năng suất bình quân đạt 35 - 40 tấn/ha.
Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng các hộ dân sử dụng phân bón lót của lúa để bón thúc cho cây sắn dẫn tới hiệu quả thấp, đất nhanh chai cứng và bạc màu, Trung tâm đã triển khai mô hình thực hiện bón thúc cho cây sắn bằng phân NPK12.5.10 của Nhà máy Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sản xuất chuyên cho các loại cây lấy củ của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. 15 ha sắn tại 5 xã: Mậu Đông, Đông Cuông, Lang Thíp, Đông An, Châu Quế Thượng thử nghiệm mô hình cho thấy thích hợp với loại phân này.
Kết quả niên vụ 2018 - 2019, huyện Văn Yên đã thực hiện 1.005,2 ha/1.000 ha kế hoạch giao, bằng 105%, trong đó: áp dụng các biện pháp canh tác bền vững lâu dài như trồng cây lâm nghiệp đỉnh đồi 234 ha và băng cốt khí, cỏ 162,2 ha; áp dụng các biện pháp canh tác tạm thời gồm xếp băng cành sắn 310 ha, trồng sắn xen đậu đỗ 76 ha; bón phân hữu cơ vi sinh thâm canh sắn 193 ha; thâm canh giống năng suất cao 30 ha.
Thực tế cũng còn nhiều diện tích sắn chưa được các hộ đầu tư thâm canh, bón phân đầy đủ, cân đối, chủ yếu dùng phân bón lót của lúa để bón lót trước khi trồng, ít bón thúc nên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây sắn. Một số diện tích sắn ở các xã vùng thấp như: Yên Hưng, Yên Thái, Tân Hợp, Ngòi A… đã trồng xen quế và cây lâm nghiệp nên việc canh tác gặp khó khăn.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình canh tác sắn bền vững, bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền, tập huấn, đất đai và kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đề nghị UBND các xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ, nhóm, hội những người trồng sắn đủ điều kiện, tư cách pháp nhân để thực hiện liên kết, ký hợp đồng trực tiếp với Nhà máy Sắn Văn Yên trong việc thâm canh, tiêu thụ sản phẩm sắn củ tươi, góp phần hoàn thiện và củng cố sản xuất sắn theo chuỗi giá trị đi vào chiều sâu và gắn kết hơn.
Nguyễn Thơm